Category Archives: Lượm lặt

TỔ QUỐC ĂN NĂN: MỘT LỪA ĐẢO THẾ KỶ

Tiêu chuẩn

Nguồn: http://ethongluan.org

Tác giả: Nguyễn Gia Thưởng
Được đăng ngày Thứ bảy, 04 Tháng 2 2017 17:28

“…Để lật sang một trang sử mới trong việc xây dựng tổ chức, tạo nấc thang cho tiến trình dân chủ hóa đất nước, chúng tôi mời tác giả Tổ Quốc Ăn Năn hoàn trả cho ông Alain Peyrefitte những gì của ông Alain Peyrefitte…”

lemalfrancais_toquocannan

LTS: Những ai đã một lần đọc Tổ Quốc Ăn Năn, chắc hẳn phải tấm tắc khen tác giả là một nhà tư tưởng, một nhà lý luận, một kho tàng trí tuệ của Việt Nam.

Lòng ngưỡng mộ độc giả dành cho tác giả Tổ Quốc Ăn Năn đạt một đỉnh điểm cao khi tác giả tự hóa thân mình là người hiền hòa, lương thiện, là người có đạo đức và tự cho mình quyền báng bổ, chê bai người Việt là hung ác, sai trái, xảo trá, gian ngoa.

Đọc xong Le Mal Français của Alain Peyrefitte, độc giả sẽ thấy Tổ Quốc Ăn Năn chính là bản sao của quyển Le Mal Français. Một bản sao như một cặp song sinh: anh là người Pháp, em là người Việt!

Đây là một bằng chứng tố cáo một vi phạm đạo đức, vi phạm luân lý và lương tâm của người cầm bút. Tác giả Tổ Quốc ăn Năn đã mượn toàn bộ ý tưởng của quyển Le Mal Français của Alain Peyrefitte và đem xào nấu vào trong tiếng Việt. Ông đã đánh cắp hầu hết ý tưởng và câu văn trong cuốn sách này. Và ngay cả cách bố cục và lối hành văn cũng được tác giả nhập tâm một cách kỹ lưỡng và sao chép không hề ngần ngại, không hề ngượng ngùng. Nói tóm lại, ông đã phạm tội đạo văn!

Chúng tôi xin mời quý độc giả đọc bài viết dưới đây để tìm hiểu xem tác giả Tổ Quốc Ăn Năn đã đạo văn như thế nào!

*****

Hiện tượng cầm nhầm trên thế giới

– Vào tháng 2 năm 2011, người ta khám phá trong luận án của ông Karl-Theodor zu Guttenberg, Bộ Trưởng Bộ Quốc Phòng Đức, có những đoạn văn của những tác giả khác mà không công bố xuất xứ. Ông đã phải từ chức vào ngày 1 tháng 3 năm 2011 vì mắc tội đạo văn.

– Ngày 10 tháng 8 năm 2012, ký giả Fareed Zakaria của tờ TimeCNN đã bị treo giò một tuần lễ vì đã vi phạm tội đạo văn, cầm nhầm một bài của ký giả Jill Lepore của tờ New Yorker.

– Vào ngày 14 tháng 2 năm 2013, bà Annette Schavan đã phải từ chức Bộ Trưởng Giáo Dục của Đức, sau khi Viện Đại Học Dusseldorf tuyên bố thu hồi bằng tiến sĩ đã trao cho bà cách đó 33 năm. Viện tuyên bố rằng bà đã gian lận “có hệ thống và cố tình” khi viết luận án của mình. Học vị “tiến sĩ” rất được kính nể tại Đức. Danh vị này đi cùng với tên tuổi mỗi khi nêu tên của họ.

– Ngày 6 tháng 10 năm 2014, ông Alain Delchambre, chủ tịch Hội Đồng Quản trị Đại Học ULB của Bỉ đã phải từ chức vì diễn văn khai mạc của ông là một bài sao chép diễn văn của tổng thống Jacques Chirac năm 2003. Mặc dù ông không phải là người chấp bút, nhưng ông đã nhận trách nhiệm về vụ này.

Theo định nghĩa của từ điển Merriam Webster, đạo văn (plagiarize) có nghĩa là:

1. ăn cắp và biến những ý kiến hoặc câu chữ của người khác thành của mình;

2. sử dụng sản phẩm của người khác mà không ghi rõ xuất xứ;

3. ăn cắp văn chương, chữ nghĩa;

4. trình bày một ý kiến hoặc sản phẩm phát xuất từ một nguồn đã có sẵn như là một ý kiến hoặc sản phẩm mới và nguyên thủy.

Tổ Quốc Ăn Năn: một lừa đảo thế kỷ

Hiện tượng cầm nhầm chữ nghĩa, qua những thí dụ nêu ở đầu bài viết, xem ra khá phổ biến. Và Việt Nam cũng không là một ngoại lệ mà lại có phần rất thịnh hành. Duy có một hiện tượng đáng chú ý hơn hết là việc cầm nhầm của một người tự xưng là, trí thức có văn phong chính luận xuất sắc. Đó là trường hợp đặc biệt nghiêm trọng của tác giả Tổ Quốc Ăn Năn.

Chúng tôi không phủ nhận tài viết, nói rõ hơn là tài hành văn của ông, nhưng chúng tôi không thể im lặng để vô tình trở thành những kẻ đồng lõa trong việc che giấu và bao che cho một việc làm hết sức tồi tệ. Đó là việc đạo văn của tác giả Tổ Quốc Ăn Năn. Việc đạo văn đã và đang bị cả thế giới lên án, chính vì đây là một hành vi ăn cắp trí tuệ của người khác, chiếm làm sở hữu của mình.

Chúng tôi nhận thấy có bổn phận vạch trần mưu mô đánh cắp của một người mà mọi người vẫn nghĩ là đạo đức, lương thiện và khiêm nhường.

Vì đương sự đã thành công trong việc đánh cắp ý tưởng của ông Alain Peyrefitte nên trong quá trình sinh hoạt trong tổ chức, đương sự luôn dùng thủ thuật này để cướp công của người khác.

Đọc tiểu sử của Alain Peyrefitte, chúng ta thấy không phải là một sự tình cờ mà tác giả Tổ Quốc Ăn Năn chọn quyển Le Mal Français của Alain Peyrefitte để cóp nhặt ý tưởng, vì đây là một kho tàng trí tuệ, được người Pháp mến mộ.

Tưởng cũng nên nhắc lại ông Alain Peyrefitte là một nhà văn uyên bác đã từng xuất bản rất nhiều sách. Ông đã giữ chức Bộ Trưởng Thông Tin, Bộ Trưởng Giáo Dục dưới thời Tổng thống Charles De Gaulle năm 1967; Bộ Trưởng Văn Hóa và Môi trường thời Tổng thống Georges Pompidou năm 1974; Bộ Trưởng Bộ Tư Pháp thời Tổng thống Valérie Giscard d’Estaing năm 1977. Cũng vào năm 1977, ông được đề cử vào Viện Hàn Lâm Pháp, một thể chế học thuật tối cao bảo vệ ngôn ngữ Pháp.

Trong ấn bản lần thứ hai, in năm 2004, trong phần Lời tựa cho lần in thứ hai, tác giả Tổ Quốc Ăn Năn (trang XVI) đã viết như sau:

“Một số bài viết phiền trách Tổ Quốc Ăn Năn đã thiếu phần thư mục giúp độc giả kiểm chứng những dữ kiện được dùng cho lý luận. Sự phiền trách này chính đáng và tác giả xin ghi nhận dù không thể thỏa mãn. Thực ra thì những tài liệu quan trọng nhất đã được liệt kê ngay trong đoạn mà chúng được đề cập tới. Tổ Quốc Ăn Năn là một quyển sách ý kiến chứ không là một cuốn sách biên khảo, và không ít những cuốn sách ý kiến đã được viết một cách tương tự, kể cả một số tác phẩm lớn. Dĩ nhiên nếu liệt kê được đầy đủ tài liệu thì cũng là điều tốt, nhưng công việc này đòi hỏi một thời gian mà tác giả rất tiếc là không có. Vả lại công việc này cũng sẽ chỉ có một giá trị rất tương đối bởi tác giả chủ yếu viết những gì mà mình biết và nghĩ chứ không viết dựa trên tài liệu tham khảo. Tác giả cũng chỉ sử dụng phần lớn những dữ kiện rất căn bản mà hầu hết mọi người quan tâm đến vấn đề đang được thảo luận đều đã biết” (Hết  trích).

Chúng tôi đi tìm sự thật và kiểm chứng xem có đúng là “tác giả chủ yếu viết những gì mà mình biết và nghĩ chứ không dựa trên tài liệu tham khảo như lời tác giả tuyên bố không.

Và gần đây chúng tôi đã khám phá ra sự thật:

– Tác giả Tổ Quốc Ăn Năn đã mượn toàn bộ ý tưởng của quyển sách “Le Mal Français” của Alain Peyrefitte;

– Tác giả Tổ Quốc Ăn Năn đã đánh cắp hầu hết ý tưởng và câu văn trong cuốn sách này;

– Ngay cả cách bố cục và lối hành văn cũng được tác giả nhập tâm một cách kỹ lưỡng và sao chép không hề ngần ngại, không hề ngượng ngùng;

– Tác giả Tổ Quốc Ăn Năn những tưởng rằng sau nhiều năm không ai tìm ra nguồn gốc những câu chữ ông đánh cắp từ đây để biên soạn sách của ông nên ông dõng dạc tuyên bố rằng ông viết không dựa trên tài liệu tham khảo.

Dưới đây, chúng tôi sẽ chứng minh không những tác giả Tổ Quốc Ăn Năn dựa vào tài liệu mà ông còn nhận vơ ý tưởng và câu văn của ông Peyrefitte một cách sống sượng.

Chúng tôi sẽ lần lượt liệt kê những đoạn văn ông “mượn đỡ” từ quyển Le Mal Français do nhà xuất bản Plon in vào năm 1976 và đem đối chiếu với những đoạn ông viết trong cuốn Tổ Quốc Ăn Năn, xuất bản lần thứ hai vào năm 2004.

Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi chỉ ghi lại một số câu tiêu biểu để mọi người có thể thấy mức độ đánh cắp của tác giả trong suốt 525 trang. Quý vị độc giả nào muốn kiểm chứng và tìm hiểu cặn kẽ hơn có thể tìm mua quyển Le Mal Français, ISBN 2-2259-00204-8, bán trên Amazon và Ebay.

Dưới đây là những bằng chứng đạo văn của tác giả Tổ Quốc Ăn Năn từ quyển sách Le Mal Francais của Alain Peyrefitte:

 

lemalfrancais_page12

1.Le Mal Français: page 12 – Que la France fût continuellement malchanceuse, j’en acquis très tôt la conviction. L’histoire qu’on nous enseignait m’en fournissait les tristes preuves.

Dịch: Tôi đã sớm xác định được rằng nước Pháp thường xuyên gặp sự không may. Môn sử mà chúng ta học đã cho tôi hàng loạt bằng chứng buồn lòng.

Tổ Quốc Ăn Năn:  trang 211 – (Dừng chân nghĩ lại) – Nhân nói về cuộc nam tiến, cũng cần nhận định rằng lịch sử nước ta có cái gì đó thực u uất. Trong suốt quá trình mở nước và dựng nước của ta hình như các biến cố trọng đại lúc nào cũng khởi đầu từ những sự không may.

lemalfrancais_page14

2.  Le Mal Français: page 14 -“la France enjuivée, revenu au temp de Dreyfus”. “Les Français ne s’aiment pas”, me disais-je.

Dịch: Nước Pháp Do Thái hoá, lui về thời Dreyfus. Tôi tự nhủ: «Người Pháp không yêu thương nhau».

Tổ Quốc Ăn Năn:  trang 71 – “Ông kể lại rằng khi ông còn trẻ vừa tới Pháp du học, một giáo sư người Pháp có kinh nghiệm nhiều về Việt Nam đã nói về người Việt Nam rằng: “Ils ne s’aiment pas” (người dịch= n.d: Họ không yêu thương nhau)

 

lemalfrancais_page48

3. Le Mal Français: page 48 – Un peuple dégoûté de l’histoire. “Les Français se considèrent comme un peuple en décadence, sinon comme un peuple fini… Ils sont malades de ce que j’appellerais le dégoût de l’histoire”. Le sursaut pouvait-il venir de ce peuple résigné?

Dịch: Một dân tộc chán ghét lịch sử. «Người Pháp tự coi mình là một dân tộc suy thoái nếu không gọi thẳng ra là một quốc gia đã hết thời… Theo tôi, họ mắc phải căn bệnh ghê tởm lịch sử». Một dân tộc đã buông xuôi như vậy liệu có thể nào bừng tỉnh đượckhông?

Tổ Quốc Ăn Năn:  trang 117 và 118 – Chính vì thế mà chúng ta luôn luôn thụ động để cho thực tế xô đẩy chứ không chủ động việc tổ chức tương lai của mình. Quan tâm về lịch sử, nghĩa là ý niệm quốc gia, đã tới chậm như vậy lại không được coi trọng. Sử bị bỏ rơi trong hơn hai thế kỷ… Cuối cùng chúng ta không biết rõ lịch sử của chúng ta, mà còn bị tiêm nhiễm những nhận định rất lệch lạc.

lemalfrancais_page104

4.Le Mal Français: page 104 – Louis XIV n’avait d’autre grand dessein que faire ployer le genou aux princes et aux nations:  il dévastait les Flandres, la Hollande, le Palatinat, les pays Rhénans, le val d’Aoste; il bombardait Gênes et Bruxelles; il forçait les autres États à reconnaître le préséance des ambassadeurs de France; il humiliait le pape Alexandre VII; il rompait les traités, il ne donnait sa parole que pour la reprendre.

Dịch: Vua Louis XIV không có tham vọng nào khác hơn là bắt các ông hoàng và các quốc gia quì gối. Ông ta tàn phá xứ Flandres (n.d.: một phần của Hà Lan), Hà Lan, đất vương công Palatinat (n.d.: một phần của Đức), xứ Rhénans (n.d.: một phần của Đức), xứ Val d’Aoste (n.d.: một phần của Ý), dội pháo thành Gênes et Bruxelles, buộc các nước khác phải nhượng bộ Đại sứ Pháp, ông ta hạ nhục Đức Giáo Hoàng Alexandre VII, phá hủy các hiệp ước, hứa hẹn chỉ để rồi nuốt lời (tráo trở, lật lọng).

Tổ Quốc Ăn Năn: trang 157 và 167 – Nguyễn Huệ là một con người hung bạo đánh tất cả mọi người: đó là một sự thực… Nguyễn Huệ dùng bạo lực và sự tráo trở trong mọi trường hợp đối với bất cứ ai có khả năng trở thành một đối thủ… Nguyễn Huệ tiêu biểu cho những giá trị mà chúng ta cần đánh đổ: võ biền, độc đoán, hung bạo, lật lọng trái ngược với những giá trị ta cần phát huy. (Chú thích: Tác giả đã hoán chuyển nhân vật Louis XIV thành vua Quang Trung).

lemalfrancais_page136

5. Le Mal Français:  page 136 – “Dieu a créé la terre mais les Hollandais ont créé les Pays Bas”. Vieux dicton hollandais

Dịch:Thượng đế đã tạo ra thế giới, nhưng chính người Hòa Lan đã làm ra đất nước Hòa Lan” – tục ngữ cổ Hòa Lan.

Tổ Quốc Ăn Năn: trang 31 – Người Hòa Lan thường tự hào: “Thượng đế đã tạo ra thế giới, nhưng chính chúng tôi đã làm ra đất nước này”.

lemalfrancais_page138

6.Le Mal Français:  page 138 – Elle possède certaines des plus puissantes sociétés mondiales: la Royal Dutch Shell, Unilever. L’empire industriel et commercial de Philips qui donne du travail à plus de 250.000 personnes en divers pays.

Dịch: Nước này (n.d: Hòa Lan) sở hữu nhiều công ty hùng mạnh trên trường quốc tế như Royal Dutch Shell, Unilever. Đế chế công nghiệp và thương mại Philips tạo công ăn việc làm cho 250.000 người tại nhiều quốc gia.

Tổ Quốc Ăn Năn: trang 31 – Các công ty lớn của Hòa Lan như Philips, Royal Dutch, Unilever có chi nhánh trên khắp các lục địa và tại tất cả các quốc gia phát triển.

—–

7. Le Mal Français:  page 138 – Une nation de boutiquiers – “C’est une nation de boutiquiers” disait avec dédain Napoléon.

Dịch: Một quốc gia chủ tiệmNapoléon đã từng nhận xét với thái độ miệt thị (n.d: về nước Anh): «Đó là một quốc gia của mấy người chủ tiệm».

Tổ Quốc Ăn Năn: trang 398 và 399 – Anh: một dân tộc bán tiệm. Napoléon I có lần nhận định một cách không mấy nể nang người Anh là một “dân tộc bán tiệm” (un peuple de boutiquiers).

lemalfrancais_page139

8.Le Mal Français: page 139 – Le miracle suisse – La Suisse n’est pas mieux dotée par la nature que les Pays-Bas. Elle est un peu plus grande, mais si montagneuse que la moitié de son territoire ne permet ni culture ni même élevage. Pas de sources d’énergie, si ce n’est hydraulique. Pas, ou presque, de minerais.

Dịch: Phép màu Thụy Sĩ – Thiên nhiên không ưu đãi Thụy Sĩ hơn so với Hoà Lan. Rộng lớn hơn một chút, nhưng nhiều núi non mà quá nửa diện tích không thể trồng trọt hay thậm chí chăn nuôi. Không có nguồn năng lượng nào, ngoại trừ thủy điện. Hầu như không có khoáng sản.

Tổ Quốc Ăn Năn: trang 405 – Như Thụy Sỹ, quốc gia nhỏ bé và bị quên lãng trong nhiều thế kỷ, không có bờ biển, không tài nguyên thiên nhiên, lại thêm núi non trùng điệp, vậy mà đã trở thành quốc gia giàu có nhất thế giới.

lemalfrancais_page320

9. Le Mal Français: page 320 – Il n’y a sans doute pas de pays au monde où les diplômes soient mieux respectés et leur validité aussi persistante.

Dịch: Có lẽ không có nước nào trên thế giới mà người ta lại tôn thờ bằng cấp như vậy và bằng cấp lại có giá trị bền bỉ đến thế.

Tổ Quốc Ăn Năn:  trang 52 và 53 – Hình như đối với người Việt bằng cấp là quan trọng nhất, và một con người trước hết được đánh giá qua những bằng cấp mà mình có. Bằng quí như thế nên tôi đã từng thấy những người “chơi bằng”. Họcó đủ loại bằng cấp… Bằng cấp đối với người Việt vì vậy có một tầm quan trọng rất đặc biệt.

lemalfrancais_page414

10. Le Mal Français: page 414 – Ignorance de la géographie et de l’histoire. Que “le Français ignore la géographie” était passé en proverbe chez les étrangers.

Dịch: Dốt nát về địa lý và lịch sử – Bảo rằng «người Pháp dốt đặc về địa lý» đã thành câu tục ngữ cửa miệng của người nước ngoài.

Tổ Quốc Ăn Năn: trang 118 – Quan tâm về lịch sử, nghĩa là ý niệm quốc gia, đã tới chậm như vậy lại không được coi trọng. Sử bị bỏ rơi trong hơn hai thế kỷ… Cuối cùng chúng ta không biết rõ lịch sử của mình, mà còn bị tiêm nhiễm những nhận định rất lệch lạc.

—–

11.Le Mal Français: page 414 – Ignorance de la géographie et de l’histoire. Nous répugnons à admettre des progrès évidents. Nous vivons sur des stéréotypes anciens, sans nous demander s’ils ne sont pas devenus désuets. Par exemple: “Les Français ne lisent pas.” On cite une vieille statistique, toujours la même, d’avant le livre de poche.

Dịch: Ngu dốt về địa lý và lịch sử. Chúng ta không chịu thừa nhận sự tiến bộ hiển nhiên. Chúng ta sống theo những khuôn mẫu cũ mà không tự hỏi xem nó đã lỗi thời hay chưa. Ví dụ như « Người Pháp không chịu đọc »: Họ cứ nhai đi nhai lại mãi những con số thống kê cũ rích, từ cái thuở sách bỏ túi còn chưa ra đời.

Tổ Quốc Ăn Năn:  trang 107 và trang 109 – Phải nhìn nhận một sự thực đau lòng: chúng ta là một dân tộc không biết đọc, không biết viết và không biết nói. Người Việt không biết truyền thông, không biết đọc, không biết viết, v.v…

lemalfrancais_page461

12.Le Mal Français: page 461 – Le propos de ce livre n’était pas d’établir un programme ou un “manifeste” mais de réfléchir et de faire réfléchir pour contribuer peut être, en suscitant un débat d’idées à nourrir les programmes et manifestes que d’autres, ensuite viendront élaborer.

Dịch: Mục đích của cuốn sách này không phải là để thiết lập một chương trình hay một “tuyên ngôn” mà là để ngẫm nghĩ, và khiến độc giả cùng ngẫm nghĩ, hy vọng tạo dịp trao đổi ý kiến, hầu đóng góp nuôi dưỡng những chương trình hay tuyên ngôn của những ai tiếp tục phát triển sau này.

Tổ Quốc Ăn Năn: trang XI – Cuốn sách này là một cuốn sách để thảo luận ý kiến, mục đích chỉ là đề xướng ra mà không kết thúc các cuộc thảo luận.

—–

Trên đây là những đoạn chúng tôi trích lại khi đọc sách của ông Alain Peyrefitte và đem so sánh với những gì đã ghi trong Tổ Quốc Ăn Năn.

Đọc hết quyển sách của ông Alain Peyrefitte, độc giả sẽ nhận thấy rằng tác giả Tổ Quốc Ăn Năn:

– không những ăn cắp ý tưởng của Alain Peyrefitte;

– mà còn ăn cắp luôn cả cách bố cục các chương đoạn;

– cũng như ăn cắp luôn cả lối hành văn.

Tác giả Tổ Quốc Ăn Năn quả là một «thiên tài»  trong nghệ thuật lấy ý kiến của người khác làm khám phá của mình (mượn lời của ông trích trang 395, khi ông nói về Marx). Ông đã vi phạm cả bốn lỗi đạo văn mà chúng tôi đã nêu trên đây, trong phần định nghĩa từ ngữ đạo văn (plagiarize) của từ điển Merriam Webster.

Trong tương lai khi có điều kiện, chúng tôi sẽ tiếp tục đưa thêm những bằng chứng đạo văn của tác giả Tổ Quốc Ăn Năn trong một mục khác.

Nhà chính trị đại tài hay chỉ là kẻ đạo văn hèn mọn?

Tổ Quốc Ăn Năn đã có thể trở thành một cuốn sách tham khảo đúng đắn cho độc giả tiếng Việt, nếu như tác giả ghi rõ nguồn xuất xứ những tài liệu ông đã dùng để dẫn chứng, nhất là ghi chú rõ ràng từng ý tưởng, từng câu văn đã trích trong đoạn nào, trang nào trong Le Mal Français!

Vì không có cơ hội và điều kiện tiếp cận được với ngoại ngữ Pháp nên có một số người đã ca tụng tác giả Tổ Quốc Ăn Năn hết lời. Họ nghĩ rằng tác giả là một người uyên bác, thông thái. Và từ đó họ xem cuốn sách này là một công trình khoa học lớn.

Thật sự, độc giả đã bị đánh lừa! Nhờ vào khả năng viết, ông đã khéo che giấu việc ông đã vay mượn quá nhiều ý tưởng của tác giả quyển Le Mal Français, Alain Peyrefitte, đến độ có thể xem đây là một bản sao chép. Chỉ vì muốn quơ hết vào mình công trình sáng tác của người khác nên ông đã lờ đi không ghi xuất xứ những sách tham khảo, viện cớ là không có thời giờ. Ông khinh thường độc giả không biết tiếng Pháp và đã thừa thắng xông lên ngạo mạn ghi trên giấy trắng mực đen rằng chủ yếu viết những gì mà mình biết và nghĩ chứ không viết dựa trên tài liệu tham khảo.

Chúng tôi xin ông đừng để cho những hậu duệ sau này phải mất công tìm kiếm, lật giở từng trang để xem ông đã ăn trộm bao nhiêu câu, bao nhiêu đoạn trong suốt 525 trang sách của ông Alain Peyrefitte. Xin ông đừng để nó trở thành một vết nhơ gây tiếng xấu cho giới trí thức Việt Nam mà chính ông đã từng chửi mắng và lên án họ là nô lệ ngoại bang, thiếu óc sáng tạo. Đúng như ông nói, đây là một sự dối trá khổng lồ!

Để tiếp tục che giấu việc đạo văn, tác giả Tổ Quốc Ăn Năn đã ngụy biện rằng “những người hoạt động chính trị, nếu không có thì giờ như trường hợp của tôi, không có bổn phận phải ghi dữ kiện lấy từ sách nào, chương nào, trang nào…” . (TQAN – trang 151). Tác giả Tổ Quốc Ăn Năn, trong suốt 617 trang, chỉ nhắc đến tên ông Alain Peyrefitte lướt qua như một thí dụ, đúng một lần ở trang 21 (Trích TQAN: Có những nhà nghiên cứu xã hội lớn, như Max Weber và Alain Peyrefitte không tin như vậy và giải thích bằng lý do văn hoá) và lấp liếm khi kể tên ông Alain Peyrefitte cùng với ông Max Weber mà không hề đề cập đến việc vay mượn văn của Le Mal Français. Mục đích chỉ để đề phòng, nếu sau này có ai đề cập đến việc đạo văn thì ông có thể ngụy biện là có nói đến tên tác giả này.

Ngoài ra ông có biệt tài mượn tên những người nổi tiếng để tạo trọng lượng cho sách của mình. Trong trang 575 và 576 cuốn Tổ Quốc Ăn Năn, ông có nhắc đến cuốn sách “Vietnam, qu’as-tu fait de tes fils?” và nói rằng đã gặp và thảo luận với tác giả. Thay vì ghi là Pierre Darcourt, ông ghi là Pierre d’Harcourt. Điều này chứng tỏ ông không hề đọc quyển sách này và không tôn trọng ông Pierre Darcourt. Điều tối thiểu khi nhắc đến một tác phẩm thì phải ghi chính xác tên của tác giả. Ông đã không làm điều này. Độc giả có quyền đặt nghi vấn là ông có thực sự gặp tác giả này hay không, vì ông đã ghi sai tên của ông Pierre Darcourt không những một lần mà đến năm lần.

Trong những năm qua, chúng tôi và nhiều người đã lầm tưởng ông là một con đại bàng, nhưng ông đã lộ nguyên hình một con tu hú lén lút đi mượn tổ của Alain Peyrefitte. Đành rằng ông học thuộc bài vở của Trần Dân Tiên, nhưng xem ra trò này đã vượt xa trình độ của thầy xưa!

Để bước sang một năm mới trong tinh thần lương thiện và lành mạnh, lật sang một trang sử mới trong việc xây dựng tổ chức, tạo nấc thang cho tiến trình dân chủ hóa đất nước, chúng tôi mời tác giả Tổ Quốc Ăn Năn hoàn trả cho ông Alain Peyrefitte những gì của ông Alain Peyrefitte.

Nguyễn Gia Thưởng
Đầu năm Đinh Dậu (2017)

 

NGOẠI GIAO PHÁP VÀ NHỮNG CƠ HỘI BỊ BỎ LỠ CỦA VN

Tiêu chuẩn

Bộ Ngoại Giao và Phát Triển Quốc Tế Pháp kết hợp với Tòa thị chính Paris tổ chức triển lãm "Nghệ thuật hòa bình: Những bí mật và kho báu của nền ngoại giao Pháp"

Bộ Ngoại Giao và Phát Triển Quốc Tế Pháp kết hợp với Tòa thị chính Paris tổ chức triển lãm “Nghệ thuật hòa bình: Những bí mật và kho báu của nền ngoại giao Pháp”

Bộ Ngoại Giao và Phát Triển Quốc Tế Pháp, kết hợp với Tòa thị chính Paris đang cho ra mắt công chúng tại Petit Palais (Paris) triển lãm «Nghệ thuật hòa bình: Những bí mật và kho báu của nền ngoại giao Pháp».

Đây là lần đầu tiên những kỷ vật hiếm hoi được giữ gìn từ Thế kỷ 4, những tranh, tượng của những danh họa, nghệ sĩ, văn bản, nghi chép nói về con đường gieo mầm, gặt hái hòa bình từ những xung đột, chiến tranh của ngoại giao Pháp ra mắt công chúng.

Trong số những tài liệu quý, tôi thấy có bản sao ‘Công chứng’ với bút tích viết tay của nhà hàng hải Christophe Colomb ký với Ferdinand và Isabelle Tây Ban Nha năm 1502.

Ngoài ra là ‘Văn bản đầu hàng’ Đế chế Đức ký kết chấm dứt chiến tranh thế giới thứ nhất 1914-1917, hoặc ‘Biên bản trao đổi’ giữa Hitler và đại sứ Pháp tại Berlin trước ngày nổ ra Chiến tranh Thế giới thứ hai.

Người ta cũng có thể thấy cẩm nang viết và tra cứu mật mã những văn bản ngoại giao, tài liệu mật giai đoạn Hồng y Richelieu, cùng thời với chàng l’Artagnan trong tiểu thuyết ‘Ba chàng lính Ngự lâm’ của Alexandre Dumas.

Bản sao 'Công chứng' với bút tích viết tay của nhà hàng hải Christophe Colomb ký với Ferdinand và Isabelle Tây Ban Nha năm 1502

Bản sao ‘Công chứng’ với bút tích viết tay của nhà hàng hải Christophe Colomb ký với Ferdinand và Isabelle Tây Ban Nha năm 1502

Một tài liệu độc đáo khác là bức thư viết trên vàng lá của vua Xiêm (Thái Lan) Mongkut-Rama IV gửi Hoàng đế Napoléon III ngày 17/03/18615 (Ảnh 5).

Đại sứ Xiêm đã trình quốc thư độc đáo đó kèm nhiều tặng phẩm quý tận tay Napoléon III và hoàng hậu Eugénie tại lâu đài Fontainebleau ngày 27/06/1861.

Với Việt Nam, có hai văn bản nên ngược dòng lịch sử, để ghi nhận và suy ngẫm.

Văn bản thứ nhất là ‘Hiệp định đình chiến Geneve (Thụy Sĩ) 1954’, nhằm chấm dứt chiến tranh tại ba nước Đông Dương (Việt Nam, Lào, Campuchia).

Văn bản thứ hai là ‘Hiệp định Hoàng Phố 1844’.

Ai thắng ai ở Geneve 1954?

Văn bản Hiệp Định Geneve trưng bày bản gốc tiếng Pháp và tiếng Việt, các trang liên kết với nhau bằng 2 dải dây lụa xanh trắng, trang bìa gắn dấu xi chữ ký Cộng Hòa Pháp và quốc huy của Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa.

Bản tiếng Việt đựng trong bìa carton mầu vàng nhạt, mầu những bức tường cổ Hà Nội. Bản tiếng Pháp có bìa mầu hồng.

Đằng sau những cặp bìa chứa chấp những mưu mô đổi chác, những giọt nước mắt, nụ cười và bi kịch.

Người anh cả Nga đã đi đêm, khi Tướng Giáp còn chưa hất tung những chàng lính dù Pháp như nướng những chiếc bánh crêpes bằng những khẩu đại bác của mình.

Bản gốc 'Hiệp Định đình chiến Geneve (Thụy Sĩ) 1954' nhằm chấm dứt chiến tranh tại ba nước Đông Dương được trưng bày tại triển lãm

Bản gốc ‘Hiệp định đình chiến Geneve (Thụy Sĩ) 1954’ nhằm chấm dứt chiến tranh tại ba nước Đông Dương được trưng bày tại triển lãm ở Paris

Tháng 1/1954 tại Berlin, trong những bàn cãi về thống nhất nước Đức, Ngoại trưởng Nga Vyacheslav Molotov (1890-1986) ngỏ ý giúp Pháp thu xếp đình chiến tại Đông Dương, đổi lại việc Pháp rút ra khỏi khối ‘Cộng đồng phòng thủ chung châu Âu’.

Lẽ ra ủng hộ phái đoàn Phạm Văn Đồng tại Geneve, người anh thứ hai Trung Hoa lại ‘thân thiết, gần gũi’ với Pháp, kẻ thất bại trên chiến trường đang cháy lòng tìm kiếm một lối thoát khả thi.

Đọc hồi ức của các tướng lĩnh và sử gia Pháp giai đoạn này, người Việt sẽ đánh giá lại món ăn cay sực gia vị ‘nghệ thuật ngoại giao Paris’ đã dọn cho họ ra sao.

Giới quân sự Pháp rền rĩ trước canh bạc trắng tay, rủa những nhà ngoại giao chết nghẹn đi không nghĩ rằng phái đoàn Georges Bidault đến Thụy Sỹ đã cứu thoái cho đạo quân viễn chinh mất tinh thần chiến đấu, tan hàng còn hiệu quả hơn những chiến dịch giải cứu Atlante, Arréthus hay Axelle.

Các nhà ngoại giao Pháp lọc lõi, hồng hào, tươi tắn như thể họ còn những con bài sáng giá, mà thật ra đã bị dồn đến chân tường.

Ngày 19/06/1954 lên nhậm chức, Thủ tướng Pierre Mendes France đã hứa trước quốc dân sẽ tái lập hòa bình ở Đông Dương trong vòng một tháng, muộn nhất là vào ngày 20/07.

Song kịch hạn chót của thời điểm, các cuộc thương lượng vẫn dang dở. Để cho chính phủ Pháp không bị đổ vì hứa suông cũng như tôn trọng hình thức công pháp quốc tế, tại phòng đàm phán ‘Palais des Nations’ ở Geneve, hai chiếc kim đồng hồ giữ nguyên ở số 12.

Sự thật là sang 2 giờ ngày 21/7/1954, Hiệp định đình chiến về Việt Nam và Lào mới được đại diện Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa ký. Hiệp định đình chiến ở Campuchia được ký vào cuối buổi sáng 21/07. «Tuyên bố cuối cùng» mãi đến chiều ngày 21/07 mới được hội nghị thông qua.

Tháng 10/1979, nghĩa là sau một phần tư thế kỷ, Hà Nội công bố Bạch thư «Sự thật về quan hệ Việt Nam- Trung Quốc 30 năm qua».

Phải đợi những chiếc xe tăng Bát Nhất chọc thủng phòng tuyến Kỳ Lừa và biển người của Giải phóng quân Trung Hoa tràn sang giết chóc, những dòng chữ như thế này mới được viết:

«Pháp đến Geneve nhằm đạt được một cuộc ngừng bắn theo kiểu Triều Tiên để cứu đội quân viễn chinh, chia cắt Việt Nam, duy trì chủ nghĩa thực dân Pháp ở Đông Dương. Rõ ràng lập trường của Trung Quốc khác hẳn lập trường của Việt Nam, nhưng lại rất phù hợp với lập trường của Pháp.»

Các nhà đàm phán Việt Nam thiếu cái hoài nghi lịch lãm nhưng lại lành mạnh đủ mức với những gì những nhà làm chính trị phải có để nhìn ra những cạm bẫy hai khối dành cho họ. Họ dèm pha và khinh miệt đối phương. Căn bệnh tự phụ, răn dạy đạo đức luôn luôn cho rằng mình đúng, những suy nghĩ của họ là bất di, bất dịch.

Người ta chế nhạo giọt nước mắt của Ngoại trưởng Trần Văn Đỗ của Quốc gia Việt Nam, tiền thân của Việt Nam Cộng hòa sau này, người đã không chịu đặt bút ký vào văn bản chia đôi Việt Nam mà dòng sông có tên Hiền Lương như nụ cười nhạo báng, trớ trêu, chẳng ‘hiền’ mà cũng chẳng ‘lương’ trong suốt 30 năm.

Không ai nghĩ rằng đó là những giọt nước mắt đầu tiên nhỏ xuống sinh mạng 5 triệu người Việt Nam và 58.000 quân nhân Mỹ sẽ chết.

Song đó chưa phải là giá đắt nhất.

Đến bây giờ người Việt đối thoại với cựu thù Pháp, Mỹ dễ hơn đối thoại giữa người Việt có quá khứ khác nhau. Họ hỏi nhau đến từ đâu, Nam hay Bắc trong câu hỏi đầu tiên.

Hiệp định Hoàng Phố Pháp-Trung 1844 và vị thế Việt Nam

Ảnh chụp 'Hiệp Định Hoàng Phố 1844' trưng bày tại bảo tàng

Ảnh chụp ‘Hiệp Định Hoàng Phố 1844’ trưng bày tại bảo tàng

Ảnh chụp 'Hiệp Định Hoàng Phố 1844' trưng bày tại bảo tàng

Ảnh chụp ‘Hiệp Định Hoàng Phố 1844’ trưng bày tại bảo tàng

Hiệp ước Pháp-Hoa, ký ngày 24/10/1844 giữa Hoàng đế Pháp Louis Phillippe và Hoàng đế nhà Thanh được gọi là ‘Hiệp ước hữu nghị và thương mại’ trong nguyên bản, thực chất là một trong những dạng hiệp ước bất bình đẳng. Nhà Thanh phải nhượng quyền buôn bán tại năm hải cảng, chấp nhận hiện diện của Pháp tại Trung Hoa, mở đầu tiến trình thực dân hóa của Pháp tại châu Á.

Ngay từ năm 1842, Trung Quốc đã bị Anh, Hoa Kỳ, Nga, Pháp, Bồ Đào Nha chẹt cổ bằng hàng loạt các hiệp ước lép vế như Hiệp ước Nam Kinh (1842), Hố Môn (1843), Vọng Hạ, Thiên Tân (1844), Yên Đài (1876), Mã Quan (1895)…

Tiến thêm một bước nữa, sau Hiệp ước Hoàng Phố đúng 40 năm, Paris ký với nhà Nguyễn Hòa ước Pháp-Việt Giáp Thân, 1884, còn gọi Hòa ước Patenôtre, đặt chế độ bảo hộ lên Việt Nam.

Nhìn những văn bản được trưng bầy tôi có dòng suy nghĩ.

Nước Pháp đã thở phào nhẹ nhõm khi thôn tính nền độc lập của Việt Nam, nước được họ coi là cường quốc mạnh nhất Đông Nam Á, một thế lực lớn ở Châu Á sau chiến thắng của Nguyễn Ánh trước nhà Tây Sơn.

Trận thủy chiến thư hùng Thị Nại hồi 1801, quân chúa Nguyễn đánh tan hạm đội Tây Sơn gồm 1.800 chiến thuyền, 600 đại bác và 20.000 binh sĩ của Đại tư đồ Vũ Văn Dũng, đã tạo uy danh cho Vua Gia Long.

Các cường quốc phương Tây chủ yếu sử dụng ‘chính sách pháo hạm’ bắt nạt Trung Quốc, Nhật Bản phải dè chừng. ‘Qua sông phải lụy đò’, sợ cũng phải.

Có phải vì vậy mà Việt Nam bị bắt nạt chậm hơn Trung Hoa đến gần nửa thế kỷ?

Uy dũng Tây Sơn: Trên chiến trường và trong cuộc đấu ngoại giao

Wolfgang Kaehler/LightRocket via Getty Images

“Những trận thắng oanh liệt của Vua Quang Trung khiến nhà Thanh phải e sợ, và khiến nước Việt có tư thế bình đẳng với Trung Hoa”

Năm Kỷ Dậu, Quang Trung đánh tan quân Thanh cũng là năm Cách mạng Pháp 1789.

Nước Pháp chắc cũng ngần ngại nếu sau khi đặt chế độ bảo hộ lên đất Việt lại phải cử một phái đoàn ngoại giao ‘kiểu Nguyễn Huệ’ sang Trung Quốc.

Họ cũng sẽ run, sẽ sợ ‘bút sa không phải gà chết mà nước mất’ nếu phải đề cử võ tướng Vũ Văn Dũng giỏi múa kiếm, phá thành hơn cong lưỡi làm thơ, bút đàm làm trưởng đoàn soán chỗ quan văn Ngô Thì Nhậm, Trần Văn Kỷ sang nghị hòa với Càn Long tại Bắc Kinh 18/1/1789.

Họ cũng sẽ thấy bức thư gửi ‘Thiên triều’ ngang ngạnh quá, đi giảng hòa mà ngạo nghễ ngang tàng, như lên lớp cho Trung Hoa về nghệ thuật chiến tranh «quân đội cốt ở chỗ đoàn kết một lòng, không cốt ở chỗ đông, binh lính quý ở chỗ tinh nhuệ không quý ở chỗ nhiều. Kẻ khéo thắng ở chỗ vô cùng mềm dẻo, chứ không phải ỷ mạnh lấn yếu, lấy đông hiếp ít đâu… ».

Lần thứ hai phái đoàn Phạm Văn Trị đi Tầu 1/1790 vẫn có kẻ ‘Vai năm thước rộng, thân mười thước cao’, ‘Chinh Nam Đại tướng quân’ Ngô Văn Sở, dũng tướng được Nguyễn Huệ gọi là ‘nanh vuốt của ta’, người đã chém đầu Đề đốc Hứa Thế Hanh và Tả dực Thượng Duy Thăng, bức tử Sầm Nghi Đống, sang đòi bỏ lệ cống người vàng cúng cái đầu Liễu Thăng rơi ở ải Nam Quan.

Lần thứ ba đi sứ cũng vẫn là võ tướng Vũ Văn Dũng với nhiệm vụ rõ ràng: «Sắc truyền cho Hải Dương Chiêu viễn Đô đốc tướng quân Dực vận công thần Vũ quốc công được gia phong chức chánh sứ đi sứ nước Thanh, được toàn quyền trong việc đối đáp tâu xin hai tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây để dò ý và cầu hôn một vị công chúa để chọc tức.”

“Phải thận trọng đấy! Hình thế trong chuyến dụng binh đều ở chuyến đi này. Ngày khác làm tiên phong (đánh nước Thanh) chính là khanh đấy. Kính thay sắc này.»

Triều đại Việt nào làm ngoại giao tế nhị, tinh tế như thế ?

Những người chơi đồ cổ Hà Nội rất vui khi kiếm được một món đồ nào đó của triều đại này. Một triều đại được họ cho là ‘nhân văn, nhân ái’. Triều đại không muốn nghe nhắc đến tên một dòng sông đất Việt, không muốn nhớ đến võ công một nước bé tý đã thắng đội quân Mông Cổ mà chính Trung Hoa đã phải quỳ gối hồi Thế kỷ 13.

Nước Pháp kỷ niệm 200 năm Cách mạng 1789 đã từ chối lời ngỏ ý của tướng Giáp được tham dự ngày hội trên Quảng trường Concorde. Đất nước ‘ánh sáng, văn minh’ đi gần sang Thế kỷ 21 mà còn nặng lòng, ấm ức với người thắng họ ở Điện Biên Phủ.

Càn Long ‘lú’ không ngửi thấy mùi thuốc súng còn vương trên chiến bào của Võ Văn Dũng, Ngô Văn Sở? Quan binh chết nghẽn dòng Nhị Hà ai cũng sướng ‘làm quỷ nước Nam, hơn làm vua đất Bắc’, chẳng kẻ nào lê gối về khóc với Bắc Kinh?

Định mệnh cho thêm Quang Trung một vài năm, đất Việt sẽ có một công chúa nhà Thanh đôi mày xanh chiêm bao về làm dâu với hai tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây như nhượng địa ‘xin đểu’ kiểu Hong Kong, Ma Cao?

Và lúc đó, Việt Nam chứ không phải là Pháp sẽ ký tại Quảng Tây Hiệp ước Hoàng Phố, trong tiếng Anh gọi là Whampoa này. Có thể còn trước hơn rất nhiều?

Mong ước của Quang Trung có 10 năm yên ổn phát triển thì “mình sợ gì nó (chỉ Trung Hoa)” không có.

Việt Nam chưa từng có một cơ hội như Pháp ký với Trung Hoa một hiệp định chặn họng tương tự.

Sau chiến thắng khẳng định nền độc lập 1789, nước Việt có tư thế bình đẳng với Trung Hoa. Song lợi thế này không được khai thác và tiếp nối sau khi Quang Trung mất.

Việt Nam đã thiếu tự tin để cuối cùng phải nhận một bản hiệp ước mất chủ quyền như Hòa ước Patenôtre?

Người Pháp khi đàm phán về ba tỉnh miền Nam nhủ thầm “nếu đòi được chiến phí vài triệu frances thì quá tốt rồi”, thì họ lại được cả ba vùng đất.

Việt Nam là một trong ba trường hợp hiếm hoi như Nga, Hoa Kỳ từ Thế kỷ 17 mà sự mở rộng bờ cõi không bị lịch sử trừng trị và lụn bại.

Nước Pháp có trọn vẹn Waterloo, Điện Biên Phủ, song vẫn giữ vị thế là một trong năm cường quốc. Nên học gì ở họ để ‘dân giầu, nước mạnh’?

Napoleon nói: «Những thiên tài như những mảnh thiên thạch chói sáng dẫn dắt lịch sử».

Đất Việt thiếu những thiên thạch để mở mặt, như họ đã để tuột các cơ hội chăng?

Có quá nhiều giả định, nhiều ‘NẾU’ trong bước đường khẳng định một quốc gia hùng cường.

Chữ ‘NẾU’ ấy chỉ như đám mây ngũ sắc, chiếc cầu vồng bắc qua nền trời sau cơn mưa. Những tuấn kiệt của lịch sử hay kẻ nghèo hèn đều không bước chân lên được chiếc cầu hư ảo để sang bờ bên kia của Định Mệnh, chỉ còn vạt nắng trôi theo chân người của tiếc nuối, cam chịu.

Một lúc nào đó chúng ta sẽ có cơ hội được xem những văn bản “Nghệ thuật ngoại giao Việt Nam”, được ‘chiêm ngưỡng’ Hiệp định Thành Đô ở Hà Nội chăng, như hôm nay ở Paris?

Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả hiện sống tại Paris, Pháp.

TIẾN TRÌNH THÀNH LẬP TẬP HỢP DÂN CHỦ ĐA NGUYÊN

Tiêu chuẩn

Nguồn: Thông Luận

LTS: Trên 20 năm qua Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên vẫn luôn trung thành với ba giá trị nền tảng Dân chủ Đa Nguyên, Hòa Giải Hòa Hợp Dân Tộc và Bất Bạo Động. Nhưng gần đây trong tổ chức đã có người khẳng định tuyên bố “Đa nguyên hay đối lập chỉ có ý nghĩa và cần thiết trên phạm vi quốc gia. Trong một tổ chức chỉ có nhất nguyên chứ không thể có đa nguyên”. Vì muốn bảo vệ ba giá trị cốt lõi của tổ chức, chúng tôi đã phải lấy quyết định không đồng hành với những ai ủng hộ lời tuyên bố trên. Chúng tôi xin gởi đến quý độc giả một tài liệu ghi lại theo thứ tự thời gian những bước đi của tổ chức trong nỗ lực tìm kiếm những giải pháp để đưa đất nước vào kỷ nguyên dân chủ đa nguyên, hòa nhịp với đà tiến của thế giới, mưu cầu hạnh phúc cho người Việt Nam. Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên được hình thành do sự kết hợp của nhiều người và nhiều nhóm, đặc biệt là hai nhóm: Thông Luận – hậu thân nhóm thảo luận Cơ Sở Tư Tưởng – và Lực Lượng Thanh Niên Việt Nam Tự Do Âu Châu. Trong bài viết này chúng tôi sẽ trình bày những diễn tiến của tiến trình hình thành Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên từ lúc khởi đầu cho đến năm 2016.
I. Việc hình thành nhóm thảo luận về hướng đi cho Việt Nam đưa đến tài liệu Cơ Sở Tư Tưởng
Vào cuối năm 1982 tại Paris, một số những anh em – cùng chí hướng – đã họp với nhau để bàn về tình hình đất nước và có ý lập một nhóm thảo luận chính trị kiểu thinktank, chứ không có ý định lập đảng. Nhóm này đã họp vào tối thứ năm, hai tuần một lần, nên trong bài viết này chúng tôi tạm gọi là nhóm thảo luận Cơ Sở Tư Tưởng. Tất cả đều thấy rằng trước tình trạng bế tắc của đất nước, cần phải có đường hướng, nguyên tắc và chủ trương nhất định để hướng dẫn nhóm đi vào những cuộc thảo luận sâu rộng về mọi mặt của quốc gia như kinh tế, xã hội, chính trị, quốc phòng, giáo dục v.v…

Không kể một vài tháng đầu tìm cách quy tụ người, có thể nói những ngưởi khởi xướng chính thức ngồi lại với nhau thảo luận về vấn đề Việt Nam gồm các ông: Nguyễn Gia Kiểng, Trần Thanh Hiệp, Dương Kích Nhưỡng, Nguyễn Trọng Kha, Nguyễn Văn Lộc, Vũ Tiến Vượng, Phạm Ngọc Lân và bà Quản Mỹ Lan. Ngoài ra, còn một số người khác, trong đó có hai anh em ông Chu Vũ Hoan và Chu Vũ Ca, nhưng chỉ vài ba tháng sau họ thấy không thích hợp với tinh thần thảo luận của nhóm nên đã rút lui.

Nhóm khởi xướng thảo luận như vậy trong gần 2 năm. Và ông Kiểng đã ghi chép lại những gì anh em đã bàn luận. Bản viết tay đó lại được nhóm mổ xẻ, sửa chữa, góp ý và cuối cùng ông Nguyễn Gia Kiểng đã đúc kết và chấp bút tài liệu này, mang tên là Cơ Sở Tư Tưởng.

Anh em trong nhóm đưa ra ba khái niệm chính về một nước Việt Nam, muốn được ổn định để phát triển, thoát khỏi nghèo đói và tụt hậu là:

1. Việt Nam sẽ là một nước với thể chế Dân Chủ Đa Nguyên, nơi tiếng nói của mọi cộng đồng dân tộc đều phải được lắng nghe;

2. Để tiến tới một nước Việt Nam Dân Chủ Đa Nguyên trước hết nhà nước Việt Nam phải xóa bỏ mọi yếu tố gây chia rẽ và thực tâm thi hành chính sách Hòa Giải để Hòa Hợp Dân Tộc hầu đưa đất nước tiến lên;

3. Để hướng tới 2 mục tiêu trên, chúng ta cần đấu tranh trong tinh thần bất bạo động vì máu người Việt Nam đã đổ nhiều rồi nên chúng ta không có quyền đòi hỏi người dân phải hy sinh tánh mạng nữa mà cần phải đấu tranh bằng chính trị, bằng tư tưởng.
II. Lực Lượng Thanh Niên Việt Nam Tự Do Âu Châu
Vào năm 1981, khi Lực Lượng Thanh Niên Việt Nam Tự Do Âu Châu sinh hoạt ở Strasbourg, một số thành viên trong nhóm đã đi thăm Quốc hội Âu Châu. Trong dịp này, ông Nguyễn Văn Thế đã thấy một tờ giấy giới thiệu (flyer) với tựa đề L’unité dans la différence (Đồng nhất trong sự khác biệt). Trong tờ giấy giới thiệu này, có nói về khái niệm Đa nguyên (Pluralisme).

Từ ý tưởng này, vào năm 1982, nhóm Lực Lượng Thanh Niên Việt Nam Tự Do Âu Châu đã thảo luận về tinh thần Đa Nguyên trong dân chủ trong kì sinh hoạt học tập ”Tìm một tư tưởng và hướng đi mới cho Lực Lượng” ở Lausanne – Thuỵ Sĩ. Đồng thời anh em nhóm Lực Lượng đã chấp nhận tinh thần đa nguyên trong dân chủ là nền tảng cơ sở của tổ chức. Từ đó, các thành viên Lực Lượng Thanh Niên Việt Nam Tự Do Âu Châu đã thảo luận về đề tài “Làm thế nào để áp dụng tính đa nguyên vào thực tế của cuộc sống và trong sinh hoạt dân chủ”. Trong nhiều kì sinh hoạt học tập sau đó, các thành viên Lực Lượng Thanh Niên Việt Nam Tự Do Âu Châu đã bàn về thuyết âm dương, phép biện chứng của Hegel và Karl Marx cũng như những diễn biến xảy ra trên thực tế của các nước dân chủ Tây và Bắc Âu và cuối cùng đã đi đến bốn kết luận cho việc áp dụng tính đa nguyên của dân chủ vào thực tế: một là tôn trọng và chấp nhận các khác biệt, dù có thể rất đối kháng nhau, cũng là chuyện bình thường của cuộc sống và là động lực làm cho xã hội phát triển; hai là vì lợi ích tập thể, trong đó có lợi ích cá nhân của mỗi người cho nên dù khác biệt thế nào đi nữa, chúng ta vẫn phải hợp tác với nhau để làm việc chung. Vì hợp tác chính là sức mạnh của xã hội dân chủ đa nguyên, giúp xã hội tồn tại và phát triển; ba là để có sự hợp tác giúp tập thể tồn tại và phát triển, chúng ta phải đối thoại và thảo luận để tìm ra những khác biệt của nhau với mong muốn có thể dung hoà và thoả hiệp; bốn là trong xã hội, theo dân chủ đa nguyên, luôn luôn có mâu thuẫn, vì vậy hoà giải là một bắt buộc để có thể hợp tác và làm việc chung với nhau.

Đồng thời trong kì sinh hoạt học tập này, Lực Lượng Thanh Niên Việt Nam Tự Do Âu Châu cũng chấp nhận phương pháp tranh đấu bất bạo động là phương pháp mà Lực Lượng sẽ áp dụng để tranh đấu thay đổi chế độ hiện nay. Có ba lí do để các thành viên Lực Lượng Thanh Niên Việt Nam Tự Do Âu Châu chấp nhận phương pháp này: một là vì nguyên tắc dân chủ không cho phép bạo động, hai là vì bạo lực chỉ làm cho đất nước thêm đổ vỡ và ba là bạo lực không thích hợp với chủ trương của Lực Lượng Thanh Niên Việt Nam Tự Do Âu Châu. Cũng trong kì họp học tập này, thành viên Lực Lượng Thanh Niên Việt Nam Tự Do Âu Châu đã đồng ý về một bản nhận định về lịch sử loài người với tựa đề “Lịch sử loài người là lịch sử của những giao ước xã hội thành văn và bất thành văn”.

Ban Chấp Hành Trung Ương và Ban Chấp hành các Phân bộ của Lực Lượng Thanh Niên Việt Nam Tự Do Âu Châu vào thời điểm năm 1982, gồm có các ông Nguyễn Trọng Kha, Phan Phúc Vinh, Đặng Minh Kỷ, Phạm Xuân Cảnh, Trần Văn Răn, Đinh Văn Ban, Nguyễn Văn Thế, Vũ Đình Thọ, Nguyễn Gia Thưởng, Nguyễn Xuân Thuấn, Nguyễn Thế Vũ, Nguyễn Phú Lộc, Đặng Vũ Chính, Võ Trung Trực, Nguyễn Văn Đang, Hồ Thành Hiệu và Trần Bá Thành.

III. Sự liên kết giữa nhóm thảo luận Cơ Sở Tư Tưởng và Nhóm Lực Lượng Thanh Niên Việt Nam Tự Do Âu Châu

Sợi dây liên kết giữa hai nhóm là ông Nguyễn Trọng Kha.

Ông Kha là thành viên Lực Lượng Thanh Niên Việt Nam Tự Do Âu Châu – trụ sở trung ương đặt tại Lausanne Thuỵ Sĩ – sinh sống ở Paris và cũng có chân trong nhóm thảo luận Cơ Sở Tư Tưởng tại Paris. Chính vì thế ông Nguyễn Trọng Kha đã làm trung gian mang những suy nghĩ, ý kiến thảo luận trong nhóm Lực Lượng qua nhóm Paris và ngược lại những ý kiến của anh em Paris cũng được ông Kha đóng góp lại trong những buổi thảo luận trong nhóm Lực Lượng.

Chính sự trùng hợp về tư duy của hai nhóm về vấn đề đất nước đã đưa đến sự hợp tác tự nhiên giữa hai tổ chức. Điều này là mấu chốt cho sự kết hợp tốt đẹp giữa hai nhóm sau này dù có những thành viên ở những quốc gia xa nhau. Sự kết hợp chưa chính thức lúc ban đầu giữa hai nhóm chính là tiền thân của tổ chức Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên sau này.

Năm 1984, Lực Lượng Thanh Niên Việt Nam Tự Do Âu Châu tổ chức một buổi học tập phối hợp với trại hè dành cho gia đình thành viên Lực Lượng tại Fontenette, một làng nhỏ cách Paris hơn 300 cây số về phía Nam, để học tập về dân chủ đa nguyên và tiếp tục bàn về việc làm thế nào để áp dụng tính đa nguyên vào thực tế sinh hoạt dân chủ. Trong dịp này Lực Lượng đã mời ông Nguyễn Gia Kiểng thuộc nhóm thảo luận Cơ Sở Tư Tưởng đến tham dự. Lúc đó, ông Kiểng đã trình bày một chủ đề trong bản Cơ Sở Tư Tưởng bàn về bốn điều kiện cần có để cuộc cách mạng thành công. Điều kiện thứ nhất là mọi người trong nước đồng ý rằng chế độ hiện hữu là tệ hại và phải thay đổi. Điều kiện thứ hai là đảng hay giai cấp cầm quyền, vì mất đồng thuận trên lý tưởng chung hay vì bị ung thối, đã chia rẽ, phân hóa và đã mất bản năng tự tồn của một đoàn thể. Điều kiện thứ ba là đại đa số quần chúng đạt tới đồng thuận về một chế độ mới và những mục tiêu quốc gia mới. Điều kiện thứ tư là có một tập hợp chính trị xuất hiện phù hợp với nguyện ước của toàn dân làm điểm hội tụ cho những khát vọng đổi mới.

Khi Cộng Đồng Người Việt Tị Nạn Cộng Sản tại Hoà Lan tổ chức trại hè Hùng Vương năm 1987, Lực Lượng Thanh Niên Việt Nam Tự Do Âu Châu đã đề nghị Cộng đồng mời ông Nguyễn Gia Kiểng đến trình bày về dự án chính trị có tên Cơ Sở Tư Tưởng này.

IV. Việc hình thành nhóm Thông Luận và tờ báo Thông Luận
Sau khi có bản in Cơ Sở Tư Tưởng, một số người trong nhóm mới nghĩ đến việc phổ biến những tư tưởng này đến với quần chúng bên ngoài. Từ đó mới nẩy sinh ra ý kiến phải cần có một tờ báo!

Nói đến báo thì cho đến thời điểm đó mọi người chỉ biết báo dưới dạng báo ngày, báo tuần, báo tháng như ngày xưa ở Việt Nam hay sau này ở Mỹ. Ai cũng biết làm một tờ báo như vậy thì vô cùng tốn kém, trong khi mọi người trong nhóm dự định làm báo – mới qua Pháp tỵ nạn – không có tiền để thực hiện việc này!

Trong khi đó, tại Paris và vào thời gian đó, bà Quản Mỹ Lan thường nhận được một loại tài liệu của nhóm ông Raymond Barre, cựu Thủ Tướng Pháp. Đây là một loại “thư” 4 trang do nhóm ông R. Barre đưa ra để trình bày về đường lối hoạt động của nhóm mình. Việc này đã khiến bà Mỹ Lan suy nghĩ: Tại sao mình không làm báo dưới hình thức đó? Vì thế, Bà Mỹ Lan đã đưa ra ý kiến này và được anh em chấp thuận. Rồi mọi người trong nhóm góp tiền lại và quyết định ra một tờ báo với hình thức rất đơn giản nhưng có nội dung như các độc giả đã biết. Với số tiền đóng góp của nhóm lúc đó, những người làm báo quyết định phải ra được báo trong vòng ít nhất một năm dù có độc giả mua báo hay không. Tất cả những người trong nhóm đều đồng ý với nhau là tờ báo phải mang nội dung như sau đây:

1. Chỉ đăng những bài vở có tính cách chính trị, có liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến Việt Nam. Không có các tiết mục văn nghệ, truyện ngắn, truyện dài hoặc thơ phú v.v…;

2. Không đăng quảng cáo, nói rõ hơn Thông Luận sẽ không sống bằng quảng cáo. Chính vì thế, sau này khi tờ Thông Luận “nổi tiếng”, nhiều nơi muốn đăng quảng cáo trên Thông Luận nhưng theo nguyên tắc đã đề ra từ đầu, nhóm làm báo đã phải từ chối;

3. Sẽ là tờ báo bán, không phải báo biếu hay cho không;

4. Sẽ không đăng lại những bài vở đã đăng trên những báo khác;

5. Với số tiền đóng góp được, anh em làm báo tiên liệu sẽ ra báo được ít nhất là một năm. Sau đó, nếu không có độc giả, không thu được  tiền vào thì ít ra tư tưởng của nhóm cũng đã được phổ biến đến đồng bào!

Quyết định là thế nhưng trong tất cả anh em, không ai có kinh nghiệm làm báo tuy kinh nghiệm viết bài đăng báo thì có! Vả lại, cũng vào thời đó, những người làm báo chuyên nghiệp cũng chỉ viết chữ không dấu rồi đánh dấu bằng tay. Ông Phạm Ngọc Lân là người làm việc trong ngành điện toán đã tạo ra bộ chữ tiếng Việt có dấu trên máy vi tính cá nhân Apple SE để làm báo Thông Luận.

Sau khi giải quyết được vấn đề tài chính và phương tiện kỹ thuật, tờ báo Thông Luận số 0 ra đời!

thongluan_so0
Cuối cùng, được sự ủng hộ của quần chúng, báo bán được!

Khi Thông Luận đã được biết đến, một số những người lâu nay im tiếng đã gia nhập nhóm như các ông Lê Văn Đằng, Huỳnh Hùng. Kế đó, ông Phạm Ngọc Lân giới thiệu ông Tôn Thất Long. Tiếp theo, bà Quản Mỹ Lan giới thiệu ông Nguyễn Văn Huy. Và sau đó ông Vũ Thiện Hân, Nguyễn Văn Khoa vv… cũng vào làm việc chung. Nhóm Thông Luận càng ngày càng vững mạnh với sự cộng tác đắc lực của những người biết trách nhiệm của mình trước vận nước.

Nhóm làm báo chủ trương chỉ gửi báo qua đường bưu điện, chứ không bán tại các sạp báo và tiệm sách. Với khuôn khổ của tờ A4, mọi người có thể photocopy dễ dàng để phổ biến. Người đầu tiên phổ biến Thông Luận dưới dạng photocopy là cựu ký giả Nguyễn Thái Lân ở miền Nam California. Ở Houston, các cảm tình viên của Thông Luận cũng phổ biến tờ báo dưới cùng một hình thức.

Đến đầu năm 1990, qua hội Nhân Quyền Việt Nam tại Hoà Lan, các thành viên Lực Lượng Thanh Niên Việt Nam Tự Do Âu Châu đã phát hành ấn bản Hòa Lan có thêm phụ trang để loan tin tức của Cộng Đồng Người Việt Tị Nạn Cộng Sản tại Hòa Lan.

Sau đó, tại một số những nước khác, nhiều người cũng cho in báo Thông Luận có thêm phụ trang. Thí dụ như vào năm 1995, hội An Vi của Linh Mục Kim Định do ông Vũ Khánh Thành tại Luân Đôn đại diện, đã xuất bản báo An Việt, trong đó vừa đăng nguyên văn báo Thông Luận vừa đăng thêm phần bài vở, tin tức của Cộng Đồng người Việt bên Anh.

Chủ nhiệm đầu tiên trong vòng 3 năm đầu của tờ nguyệt san Thông Luận là ông Bùi Quang Hiếu, 3 năm tiếp theo là ông Phạm Ngọc Lân, sau ông Lân là ông Vũ Thiện Hân. Sau đó, là các ông Diệp Tường Bảo, Nguyễn Văn Huy tuần tự phụ trách.

Dưới đây là danh sách chủ nhiệm của tờ Thông Luận, theo thứ tự thời gian:

1. Tháng 11/1987, nguyệt san Thông Luận xuất bản số 0 do ông Bùi Quang Hiếu làm chủ nhiệm cho đến số 33, tháng 12/1990;

2. Tháng 1/1991, ông Phạm Ngọc Lân làm chủ nhiệm bắt đầu từ số 34 và mãn nhiệm vào tháng 12/1993 với số 66;

3. Tháng 1/1994, ông Vũ Thiện Hân làm chủ nhiệm bắt đầu từ số 67 và mãn nhiệm vào tháng 12/2000 với số 143;

4. Tháng 1/2001, ông Diệp Tường Bảo làm chủ nhiệm bắt đầu tứ số 144 và mãn nhiệm vào tháng 8/2002 với số 161;

5. Tháng 9/2002, ông Nguyễn Văn Huy làm chủ nhiệm bắt đầu từ số 162 và chấm dứt nhiệm vụ vào tháng 12/2012 với số cuối cùng 275.
Thông Luận càng ngày càng có uy tín và trong nước bắt đầu xuất hiện “chui” những bản sao và đưa đến sự cộng tác của một số những người chia sẻ quan điểm của Thông Luận trước tình hình Việt Nam. Nhờ chủ trương bao dung và hòa bình đó, sau này những người trong nhóm làm báo đã được một số cán bộ cộng sản lão thành tin tưởng như các ông Nguyễn Hộ, Trần Độ và “nhóm Đà Lạt” – gồm có các ông Hà Sĩ Phu; Mai Thái Lĩnh; Tiêu Dao Bảo Cự; Bùi Minh Quốc – cũng như một số đảng viên phản tỉnh đóng góp bài vở cho báo Thông Luận.

Vì từ ngày đầu anh chị em trong nhóm không lấy một tên gọi chính thức cho nhóm như các tổ chức khác vẫn làm nên từ khi ra tờ báo Thông Luận, bên ngoài gọi “nhóm không tên” này là nhóm Thông Luận.
V. Những va chạm giữa Thông Luận và các tổ chức chính trị khác trong cộng đồng
Trong lúc các tổ chức khác chủ trương giải phóng Việt Nam bằng vũ lực thì Thông Luận lại chủ trương ôn hòa. Có nghĩa là cuộc đấu tranh sắp tới giữa người Việt yêu tự do, dân chủ chống lại Cộng Sản độc tài phải qua con đường bất bạo động.

Chủ trương nhà nước cần phải có chính sách hòa giải, hòa hợp dân tộc tưởng là rất hòa bình và bao dung này lại bị một tổ chức khác đánh phá dữ dội trên phương tiện truyền thông của họ. Chủ trương Hòa Giải Hòa Hợp Dân Tộc bị họ bóp méo là Thông Luận chủ trương Hòa Hợp, Hòa Giải với Cộng Sản. Điều này tạo cho những người vốn chủ trương bạo lực có cơ hội làm dấy lên một phong trào chống phá Thông Luận trên các phương tiện truyền thông như báo chí, đài phát thanh, đài truyền hình tại Hoa Kỳ.

Cao điểm nhất là vụ bạo hành của một tổ chức cực đoan đối với anh em nhóm Thông Luận.

Đó là cuộc hành hung gây thương tích cho hai ông Đặng Minh Kỷ (đại diện Thông Luận Hòa Lan) và Nguyễn Gia Kiểng (Thông Luận Paris) khi anh em nhóm Lực Lượng Thanh Niên Việt Nam Tự Do Âu Châu chính thức ra mắt ấn bản Thông Luận Hòa Lan vào ngày 16 tháng 4 năm 1990 tại thị xã Nijmegen – Hoà Lan. Việc này đã được tường trình đầy đủ trong hai số báo Thông Luận 27 và 28, phát hành vào tháng 5 và tháng 6 năm 1990. Trong đó, Thông Luận cũng đã nêu đích danh hung thủ.

VI. Những dự tính kết hợp với các tổ chức khác

1. Vào năm 1990, tại Trung Tâm Độc Lập ở Stuttgart, có cuộc họp bàn về việc hợp tác chung của bốn nhóm: Lực Lượng Thanh Niên Việt Nam Tự Do Âu Châu (Thuỵ Sĩ); nhóm chủ trương báo Độc Lập (Đức) của ông Vũ Ngọc Yên; Hiệp hội Dân chủ & Phát triển Việt Nam của ông Âu Dương Thệ (Đức) và nhóm Thông Luận (Pháp). Cả bốn nhóm đã đồng ý trên nguyên tắc là sẽ hợp tác chung.

Nhưng sau một thời gian, nhóm Độc Lập và Hiệp hội Dân chủ & Phát triển Việt Nam đã lặng lẽ tách ra, chỉ còn lại hai nhóm Lực Lượng Thanh Niên Việt Nam Tự Do Âu Châu và nhóm Thông Luận. Hai nhóm này tiếp tục làm việc chung và luôn luôn coi nhau như người cùng một nhóm. Có lẽ vì cả hai đều có cùng một cơ sở tư tưởng là dân chủ đa nguyên, hoà giải hoà hợp và bất bạo động nên sự hợp tác không có gì trở ngại.

2. Một thời gian sau khi xuất bản tờ báo Thông Luận – khoảng cuối năm 1991, đầu năm 1992 – thì ông Trần Văn Sơn (Trần Bình Nam) của tổ chức Phục Hưng từ Mỹ sang gặp anh em nhóm Thông Luận Paris và đề nghị kết hợp. Hai ông Nguyễn Trọng Kha và ông Nguyễn Văn Thế, đại diện cho Lực Lượng Thanh Niên Việt Nam Tự Do Âu Châu, cùng tham dự buổi gặp gỡ này.

Việc kết hợp này không thành vì một số thành viên của Phục Hưng cho rằng Thông Luận chủ trương hòa hợp, hòa giải với Cộng Sản.

VII. Những nét chính về diễn tiến của Dự Án Chính Trị Dân Chủ Đa Nguyên
1. Vào ngày 27/10/1990, một cuộc hội luận về Dân chủ Đa nguyên đã được Thông Luận tổ chức tại Paris với sự tham dự của năm tổ chức và thân hữu đến từ 8 quốc gia:

a. Lực Lượng Thanh Niên Viêt Nam Tự Do Âu Châu gồm các thành viên: bà Phạm Tú Minh và các ông: Đăng Minh Kỷ, Nguyễn Văn Thế, Nguyễn Gia Thưởng, Phạm Xuân Cảnh, Phan Phúc Vinh vv…;

b. Nhóm chủ trương báo Diễn Đàn Mới có bà Nguyễn Huỳnh Mai và các ông Đỗ Đình Thành và Nguyễn Văn Lang;

c. Cơ Sở Độc Lập có các ông Vũ Ngọc Yên và Dương Hồng Ân;

d. Nhóm Hiệp hội Dân Chủ & Phát triển Việt Nam gồm có các ông: Âu Dương Thệ, Lâm Đăng Châu và một số thành viên khác;

e. Nhóm Thông Luận Paris có bà Quản Mỹ Lan và các ông: Trần Thanh Hiệp, Nguyễn Gia Kiểng, Phạm Ngọc Lân, Vũ Thiện Hân, Huỳnh Hùng, Lê Văn Đằng, Nguyễn Văn Khoa, Nguyễn Văn Lộc, Tôn Thất Long, Diệp Tường Bảo, Võ Xuân Minh, Nguyễn Văn Huy, Nghiêm Văn Thạch, Lê Mạnh Tường v.v…

Ngoài những người thuộc các tổ chức kể trên, còn có sự tham dự đông đảo của trí thức Việt Nam đến từ các nơi như:

– Paris có các ông: Nguyễn Văn Ái,  Lê Hữu Khoa, Hoàng Khoa Khôi, Lưu Văn Vịnh, Từ Trì, nữ nghệ sĩ Bích Thuận và bà Thụy Khuê;

– Hoa kỳ có các ông: Đỗ Quý Toàn (Vương Hữu Bột), Trần Văn Sơn (Trần Bình Nam), Đinh Quang Anh Thái và Nguyễn Quốc Trung;

– Canada có ông Tôn Thất Thiện và Nguyễn Hữu Chung;

– Luân Đôn – Anh Quốc có ông Nguyễn Anh Tuấn.
Hoiluan_DCĐN00
2. Năm 1992 Cơ Sở Tư Tưởng được in thành Dự án Chính Trị Dân Chủ Đa Nguyên.

Năm 1992 tên Phong Trào Dân Chủ Đa Nguyên ra đời với sự hợp tác chính thức của hai nhóm: Lực Lượng thanh Niên Việt Nam tự Do Âu châu và Thông Luận.

Khi đã hợp tác, Lực Lượng đã in Dự Án Chính Trị Đa Nguyên vào tháng 1/1992 để làm tài liệu học tập nội bộ.

DACT_LLTNVNTDAC

Đến tháng 2/1992, bản chính thức của Phong Trào Dân Chủ Đa Nguyên được phát hành.
DACT1992
3. Vào năm 1996, Dự Án Chính trị  Dân Chủ Đa Nguyên được bổ sung với những vấn đề mới dựa vào những biến chuyển của tình hình trong nước. Dự Án này lấy tựa đề là Thử Thách và Hy Vọng.
DACT1996
4. Năm 2000 Phong Trào Dân Chủ Đa Nguyên chính thức trở thành Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên cho đến ngày nay.

Vào năm 2001, Dự án Chính trị Dân Chủ Đa Nguyên được bổ sung và lấy tên là Thành Công Thế Kỷ 21.

DACT2001
Danh xưng Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên được chính thức đặt cho nhóm vào năm 2000. Trước đây, khi ra tờ báo Thông Luận, nhóm không có tên chính thức. Sau nhiều lần tìm cách kết hợp với những tổ chức khác nhưng cuối cùng thấy rằng khó có thể kết hợp được nên khi bước qua thế kỷ thứ 21, nhóm cần minh danh với tên của mình. Trong một cuộc thảo luận sôi nổi trong Phân Bộ Bắc Mỹ tại San José, nhóm Thông Luận Hoa Kỳ đã đề nghị đặt tên cho nhóm là Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên. Tên gọi này, được toàn thể thành viên chấp thuận. Từ đó, danh xưng Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên trở thành tên chính thức của nhóm.

5. Năm 2015, Dự Án Chính Trị được bổ túc, viết lại và lấy tên là Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai.

bia_khaisang_kynguyen_thuhai_00
Dự Án Chính Trị, từ lúc ban đầu cho đến nay, là do công trình và trí tuệ của tập thể anh chị em trong Tập Hợp chứ không phải của riêng một cá nhân nào.

Về tờ báo Thông Luận, ban đầu nhóm chỉ hy vọng là báo sẽ sống được một năm. Trước khi ra tờ Thông Luận số 1, nhóm làm báo đã in thử tờ báo số 0 (xin xem hình đính kèm ở phần đầu). Địa chỉ tòa soạn của 100 số báo đầu tiên là tư gia của ông bà Phạm Ngọc Lân – Quản Mỹ Lan.

Như vậy kể từ số 1 ra đời vào tháng 12 năm 1998 cho đến số 275, số báo cuối cùng phát hành vào tháng 12/2012, báo Thông Luận giấy tổng cộng đã sống được 25 năm!

Chúng tôi ghi lại những sự kiện ghi trên theo thứ tự thời gian, đồng thời lưu trữ trong thư khố của tổ chức, không ngoài mục đích thực hiện trách nhiệm ghi chép và lưu giữ những công trình gầy dựng tổ chức của tất cả những thành viên đã và đang có mặt trong tổ chức. Tất cả chúng tôi đều mang hoài bão đưa nước Việt Nam vào kỷ nguyên mới của dân chủ đa nguyên.
Ngày 10 tháng 1 năm 2017,
Thay mặt Ban Quản Thủ Thư Khố
Nguyễn Văn Thế – Nguyễn Gia Thưởng – Phạm Tú Minh

THƯ HCM GỞI STALIN VỀ CHƯƠNG TRÌNH CCRĐ TẠI VN

Tiêu chuẩn

Tác giả: Nguyễn Thị Từ Huy
Nguồn: http://www.rfavietnam.com/node/2627

Một người bạn thân của tôi nói rằng hiện nay tư liệu về Hồ Chí Minh rất nhiều nên việc giải thiêng không còn cần thiết nữa. Theo tôi, người bạn này sống chủ yếu ở Mỹ nên mới nói như vậy. Bởi vì, một người bạn khác, là giảng viên đại học ở Việt Nam, cho biết rằng sinh viên đang hào hứng tham gia cuộc thi tìm hiểu chủ nghĩa Mác-Lê nin. Dĩ nhiên là tìm hiểu theo định hướng của đảng. Đồng thời, cá nhân tôi, khi tìm thông tin trên mạng thì thấy phong trào học tập tư tưởng Hồ Chí Minh hiện đang được thực hiện một cách rầm rộ ở các trường đại học khắp cả nước, từ Bắc chí Nam.

Tư liệu về Hồ Chí Minh nhiều, nhưng ở Việt Nam,  sách lịch sử chính thống và báo chí chính thống chỉ cho phép công bố và truyền bá những tư liệu được phép của Ban Tuyên giáo. Hãy hình dung rằng cả thế giới biết việc Marx có con riêng, nhưng báo chính thống Việt Nam không thể đăng thông tin đó. Marx hay Hồ Chí Minh đều bị kiểm duyệt, nếu các thông tin làm ảnh hưởng tới cái gọi là « tư tưởng Marx-Lê nin » và « tư tưởng Hồ Chí Minh » mà đảng đã và đang tuyên truyền. Môn lịch sử, cũng như mọi môn khoa học xã hội khác, được dùng làm công cụ tuyên truyền trong các chế độ toàn trị cộng sản. Thậm chí, cách vận hành của hệ thống toàn trị khiến cho bản thân lịch sử cũng biến mất. Đến mức Václav Havel nói rằng trong chế độ toàn trị « không có lịch sử ».

Sẽ rất nhầm lẫn nếu cho rằng người dân Việt Nam hiện nay đã hiểu rõ chế độ của mình. Đáng tiếc, sự thật là, chỉ có một số rất ít người nhìn thấy bản chất của chế độ.

Đấy là lý do khiến những người đấu tranh cho dân chủ ở trong nước nghĩ rằng cần phải đi con đường khai minh, thông qua giáo dục. Tuy nhiên, bế tắc là ở chỗ, một khi trường học bị biến thành công cụ tuyên truyền của chính quyền, với sự hỗ trợ của các tổ chức đảng, của bộ máy an ninh mật, an ninh văn hóa và cảnh sát, thì việc khai minh qua con đường giáo dục trên thực tế sẽ bị cản trở, thậm chí không thể tiến hành được. Hoặc nếu thực hiện được thì cũng chỉ nửa vời, bởi bản thân sự hợp tác, trong xã hội toàn trị, đã bao hàm trong nó sự thỏa hiệp. Nan đề là ở chỗ : sự thỏa hiệp không cho phép thực hiện được mục đích giáo dục khai minh và giáo dục tự do. Liệu có thể giải quyết được nan đề, vừa thỏa hiệp với quyền lực toàn trị vừa thực hiện được một nền giáo dục đích thực ?

Một trong những con đường có thể có hiệu quả hiện nay là truyền thông tự do trên mạng  (trong đối lập với truyền thông tuyên truyền chính thống). Đại lộ thông tin internet là không gian mà những người muốn tiến hành các chương trình khai minh, nâng cao dân trí, chấn hưng dân khí cần sử dụng. Ngoài ra, mọi con đường đều dẫn tới thành Rome. Câu hỏi có lẽ là: bao giờ những người hiện đang đi trên những con đường khác nhau có thể kết nối lại với nhau?

Những người muốn xây dựng Việt Nam thành một quốc gia độc lập, phát triển về kinh tế, khoa học, văn hóa, muốn xây dựng một xã hội dân chủ tại Việt Nam, cần đối diện với khó khăn to lớn này : việc bưng bít thông tin, truyền thông tuyên truyền một chiều, chính sách ngu dân… được thực hiện nhiều thập kỷ nay đã mang lại hậu quả ghê gớm đối với các thế hệ người Việt. Hậu quả đó chính là những bộ não bị đúc khuôn, bị tẩy trắng, mất khả năng tư duy, sẵn sàng tin vào những gì được tuyên truyền mà không hề hoài nghi, không hề đặt câu hỏi. Và mặt khác của vấn đề là ở chỗ những bộ óc như vậy lại tin rằng mình nắm giữ chân lý, rằng những ai khác mình đều là lạc hậu, phản động…

Trong bối cảnh đó, xin giới thiệu lại cùng quý độc giả hai bức thư của Hồ Chí Minh gửi Stalin vào tháng 10  năm 1952 về vấn đề cải cách ruộng đất. Nội dung của chúng  xác nhận rằng Hồ Chí Minh là người thiết kế chương trình cải cách ruộng đất tại Việt Nam, dưới áp lực của Liên Xô và Trung Quốc.  Hai bức thư này đã được một số người dịch và phân tích trên một số website và blog. Ở đây tôi sử dụng bản dịch tiếng Pháp, được giới thiệu trong công trình khảo cứu lịch sử « Le communisme vietnamien (1919-1991) » của nhà nghiên cứu Céline Marangé, in năm 2012, tại Paris. Đồng thời tôi cũng dịch một đoạn phân tích  của Tiến sĩ Khoa học chính trị Céline Marangé về bối cảnh  lịch sử của hai bức thư này, và một đoạn ngắn khác bình luận về tính chất phức tạp của các nhân vật lịch sử và các sự kiện lịch sử Việt Nam. (Nguyễn Thị Từ Huy)

 

I. Phân tích của Céline Marangé về bối cảnh lịch sử của hai bức thư:

Đầu những năm 1950, điện Kremlin vẫn còn rất thận trọng đối với cuộc chiến tranh Đông Dương và nhân vật Hồ Chí Minh. Kremlin chỉ ủng hộ đề nghị gia nhập Liên Hợp Quốc do nước Việt Nam Dân chủ  Cộng Hoà đệ trình ngày 29/12/1959, khi mà 9 tháng sau, Pháp cũng đưa ra một đề nghị tương tự cho « Nước Việt Nam của Bảo Đại » và cho các vương quốc Lào và Campuchia. Tương tự như vậy, khi mà tất cả các đại diện của các đảng cộng sản nước ngoài đã được mời đến dự đại hội lần thứ XIX của đảng cộng sản Liên Xô, Hồ Chí Minh buộc phải viết thư cho Stalin để được mời tham dự. Ngày 30 tháng 9 năm 1952, Hồ Chí Minh gửi cho Stalin một bức điện tín từ Bắc Kinh để xin ông ta cho phép được bí mật tới Moscou. Ngày 2 tháng 10 Stalin cho phép Hồ Chí Minh tới tham dự với hình thức « không chính thức ». Trong thư trả lời Stalin, gửi ngày 17 tháng 10, Hồ Chí Minh đề nghị Stalin cho Liu Shao-qi tham dự vào những thảo luận về Việt Nam. Ba người đó gặp nhau tại Moscou ngày 28 tháng 10 năm 1952. Trước cuộc họp, Liu Shao-qi đã đề nghị Stalin phải nài Hồ Chí Minh để ông ta tiến hành cải cách ruộng đất tại Việt Nam. Hồ Chí Minh lúc đó muốn dừng lại ở việc giảm tiền lĩnh canh. Nhưng khi Stalin yêu cầu ông ta thực hiện một cuộc cải cách ruộng đất theo mô hình cải cách ruộng đất ở Trung Quốc, Hồ Chí Minh đã chịu thuận theo ý muốn của Stalin. Hai ngày sau, ông viết cho Stalin đề nghị gửi tới Việt Nam hai cố vấn Xô Viết, ưu tiên người nói tiếng Pháp, và đề nghị nhận các sinh viên Việt Nam đến đào tạo tại Moscou, và đặc biệt là cung cấp các vũ khí hiện đại. Hôm sau, ngày 31 tháng 10, Hồ Chí Minh chuẩn y một chương trình cải cách ruộng đất, đã được hiệu chỉnh với sự hỗ trợ của Liu Shao-qi và Wang Jiaxiang, đại sứ đầu tiên của Cộng hòa nhân dân Trung Hoa tại Liên Xô (1949-1951). Trước khi rời khỏi Moscou, Hồ Chí Minh viết một lá thư cảm ơn Stalin, trong đó một lần nữa ông hứa với Stalin sẽ dành tâm lực vào cuộc cải cách ruộng đất. Những bức thư này mang lại cảm giác rằng Hồ Chí Minh đã chấp nhận tiến hành cải cách ruộng đất để có được vũ khí với số lượng lớn và để tạ lỗi với Stalin, cho đến lúc đó vẫn tiếp tục dè chừng Hồ Chí Minh. Tháng 12, Stalin tuyên bố với Liu Shao-qi và đại sứ Trung Quốc rằng ông ta « về phần mình, đánh giá  Hồ Chí Minh là một người tốt, dù ban đầu thì không tốt ». Khi trở về Việt Nam, Hồ Chí Minh đề nghị Mao Trạch Đông cung cấp các chuyên gia về cải cách ruộng đất và cung cấp các ý tưởng. Ban bí thư trung ương của đảng cộng sản Trung Quốc gửi sang Wang Li, người đảm nhiệm chức vụ « cố vấn tinh thần và ý thức hệ », đồng thời, về sau, đó là một trong những người chỉ huy Cách mạng văn hóa Trung Quốc, trước khi bị bắt vì tội « khuynh tả cực đoan », vào năm 1967. Để đến phụ giúp cho Việt Nam, Wang Li có thêm Qiao Xiaoguang, một chuyên gia về cải cách ruộng đất, người đã lãnh đạo đảng cộng sản Trung Quốc vùng Quảng Tây. Ngày 2 tháng 3 năm 1953, tức là ba ngày trước khi Stalin chết, Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thông qua một nghị định về việc phân loại bộ phận dân cư ở nông thôn, nghị định này được dùng làm cơ sở pháp lý cho cải cách ruộng đất và cho « tòa án giai cấp ».

(Trích từ cuốn « Le communisme vietnamien (1919-1991) », Céline Marangé, Paris, SciencePo/Les Presses, 2012, tr. 193-195)

II. Hai bức thư của Hồ Chí Minh gửi Stalin

  1. Thư thứ nhất

Đồng chí I.V. Stalin thân  mến

Tôi đã bắt đầu soạn thảo dự án chương trình cải cách ruộng đất của Đảng Lao động Việt Nam, và sẽ nhanh chóng trình bày với  đồng chí.

Tôi gửi tới  đồng chí cùng một số yêu cầu sau đây, và hy vọng sẽ nhận được chỉ thị của đồng chí về những vấn đề này.

1. Cử một hoặc 2 đồng chí Liên Xô tới Việt Nam để tìm hiểu và nghiên cứu thực trạng tại chỗ. Nếu như các đồng chí đó biết tiếng Pháp, họ có thể thể giao tiếp với một tầng lớp rộng rãi. Mất khoảng mười ngày để đi từ Bắc Kinh tới chỗ chúng tôi.

2. Chúng tôi muốn gửi 50-100 học sinh sang Liên Xô học tập, họ đã có trình độ văn hóa lớp 9 ở Việt Nam, một vài người trong số họ là đảng viên và những người khác chưa phải là đảng viên, độ tuổi của họ từ 17-22. Đồng chí có nhất trí về vấn đề này không?

3. Chúng tôi muốn nhận từ các đồng chí 10 tấn thuốc kí ninh (thuốc chống sốt rét) cho quân đội và dân thường, có nghĩa là cứ nửa năm nhận 5 tấn. 

4. Chúng tôi cần những loại vũ khí sau đây :

a) Pháo binh phòng không  37 li cho 4 trung đoàn, tổng số là 144 khẩu và 10 cơ số đạn cho mỗi khẩu pháo.

b) Pháo trận địa 76,2 li cho 2 trung đoàn, tổng số là 72 khẩu và 10 cơ số đạn cho mỗi khẩu.

c) Súng máy phòng không 12,7 li cho hai trung đoàn, tổng số là 200 khẩu và 10 cơ số đạn cho mỗi khẩu. 

Sau khi nhận chỉ thị của đồng chí về những vấn đề trên, tôi dự định sẽ rời khỏi Moscou vào ngày 8 hoặc ngày 9 tháng 11 [1952].

Gửi tới đồng chí lời chào cộng sản và những lời chúc tốt đẹp nhất !

Hồ Chí Minh

30-10-1952

2. Thư thứ hai

Đồng chí I.V. Stalin thân  mến

Tôi gửi đồng chí chương trình cải cách ruộng đất của Đảng lao động Việt Nam. Dự án chương trình do tôi soạn thảo, với sự hỗ trợ của đồng chí Liu Shao-qi và [đại sứ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa tại Liên Xô từ 1949-1951 Wang Jiaxang].

Mong đồng chí xem xét và cho chỉ thị về vấn đề này.

Gửi đồng chí lời chào cộng sản.

Hồ Chí Minh

31/10/1952

(Phụ lục 4, Le communisme vietnamien (1919-1991), Céline Marangé, Paris, SciencePo/Les Presses, 2012, tr. 534-535)

 

III. Bình luận của Céline Marangé về tính phức tạp của các nhân vật lịch sử và các vấn đề lịch sử của Việt Nam:

Chủ nghĩa cộng sản Việt Nam vẫn còn là một chủ đề nhạy cảm và tương đối ít được khai thác. Kỷ niệm về cuộc chiến tranh Việt Nam, được khơi dậy bởi sự can thiệp của Mỹ tại Irak năm 2003, và đặc biệt là cái kỷ niệm, được người ta thi nhau lý tưởng hóa, về phong trào sinh viên phản đối chiến tranh, cuộc chiến được nhìn nhận như là « chiến tranh vệ quốc chống đế quốc Mỹ », ở Pháp,  kỷ niệm ấy vẫn luôn đảm bảo cho những cảm tình nhất định đối với chế độ cộng sản Việt Nam. Ở phía ngược lại, trong một bộ phận khác của dân chúng Pháp, ký ức về cuộc chiến tranh Đông Dương, thậm chí hoài niệm về Đông Dương thuộc Pháp, vẫn còn chưa tắt hẳn. Ở Mỹ, cuộc chiến tranh Việt Nam tiếp tục kích động những thiên kiến tồn tại rất lâu sau khi xe tăng Bắc Việt tiến vào Sài Gòn và sau khi chế độ Miền Nam Việt Nam thất thủ vào ngày 30/4/1975. Đối với những người Việt lưu vong căm thù cộng sản, Hồ Chí Minh bị cố tình biến thành quỷ dữ. Người ta gán cho ông tính cách gian xảo, quỷ quyệt, hay thậm chí cả tính cách  bá quyền mà chắc hẳn ông không bao giờ có. Tương tự như thế, mặc dù tướng Giáp giành được sự khâm phục ở những vị tướng vốn là kẻ thù của ông, nhưng ông thường xuyên bị miêu tả như một kẻ tính toán lạnh lùng, thờ ơ với số phận của lính tráng, và bị xem như một lãnh đạo có quyền lực tuyệt đối. Tai tiếng của hai người này lớn đến mức che lấp hết những nhân tố hàng đầu khác ở họ. Thế nhưng, trong thực tế, không có gì đơn giản. Không ai đơn giản hết. Cả Hồ Chí Minh, cả tướng Giáp đều không đơn giản, và có thể còn phức tạp hơn đối với những lãnh đạo Trung Quốc và Liên Xô đã cố bẻ cong các sự kiện ở Việt Nam. Từ những năm 1960 trở đi, quyền lực phần lớn đã không còn nằm trong tay họ. Những người khác đã nắm giữ quyền lực.

(Trích từ cuốn « Le communisme vietnamien (1919-1991) », Céline Marangé, Paris, SciencePo/Les Presses, 2012, tr. 29)

DONALD TRUMP NÓI GÌ VỀ VẸM PHỈ ?

Tiêu chuẩn
KVC chỉ làm công việc lượm lặt thôi nhen.
*****************
Đảng Cộng sản Việt Nam ư ?!
Tôi nói thật , Bao năm qua họ chỉ lợi dụng Mỹ, họ chơi trò nước đôi đi 2 dây giữa Chúng Ta và Trung Cộng.!.!..
Họ kêu gọi Mỹ và các Nước khác ủng hộ họ trong vấn đề biển đông và các vấn đề xung đột liên quan đến Trung Cộng; nhưng chính họ lại phục tùng, vâng lời Trung Cộng như một sứ giả chư hầu thời phong kiến.
Tôi là người ngay thẳng và không ưa những kẻ “2 lưỡi”; những tay lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam thậm chí còn có 3-4 lưỡi…
GacMa
Không có TPP gì cả, không có tạo điều kiện hay viện trợ gì cả , và không có cho nhập khẩu hưởng lợi từ Mỹ nữa …Và nếu họ còn chơi trò “Lợi Dụng” nữa thì Chúng ta nên rút quân khỏi Biển Đông…. để cho “Anh Em chúng nó xé xác nhau”.

Đến lúc nào đó người dân Việt Nam thật sự muốn từ bỏ cái đám Tham nhũng vơ vét ấy thì Chúng ta mới suy nghĩ về chính sách tốt hơn …. cho đất nước Việt nam , và tôi luôn lên tiếng bảo vệ tiếng nói của toàn dân Việt nam dám nói về đảng cộng sản VN….
img153
Ô.Trump nói như thế rất đúng, là bộc lộ bản chất người lương thiện, người yêu nước Hoa Kỳ, dĩ nhiên.  Ô.Trump nói như thế là rất đúng với bản chất của tà đảng Việt cộng, là kẻ hai lòng.
Không người lương thiện nào thích kẻ hai lòng. Thiên Chúa không chấp nhận kẻ hai lòng:
“Các con không thể làm tôi hai chủ. Các con không thể tôn thờ Thiên Chúa và tôn thờ tiền của được.”
Tà đảng cộng sản muốn cứu nước thì phải xa lìa Trung cộng, kẻ có dã tâm tiêu diệt dân tộc VN, để dành đất cho Hán gian. Bằng chứng quá rõ, là Hán gian đã tiêu diệt:  Mãn, Hồi, Mông, Tạng.
Và đang cố gắng tiêu diệt dân tộc VN.
Hoa Kỳ không có tham vọng tiêu diệt dân VN và không có tham vọng chiếm đất, biển, đảo của VN.
Nếu bạn là ô.Trump bạn cũng phải hành xử như ông Trump. Chỉ có kẻ ngu mới để kẻ gian lừa gạt mãi, và chỉ có kẻ ngu như tà  đảng Việt cộng, cộng tác với kẻ tham làm vô độ như Chệt cộng, với tham vọng lớn nhất của nó, là tiêu diệt dân tộc VN. Đến bao giờ dân VN mới mở mắt ?
 Qua câu nói của Trump, tôi thấy tầm nhìn chính trị  của ông rất xa, rất xa hơn những tay chính trị lão luyện. Chỉ có kẻ mù mới không thấy câu nói rất yêu nước Hoa Kỳ của Trump.

CCCCC = CON CHÁU CÁC CỤ CẢ !

Tiêu chuẩn

Cả nước thi đua thực hiện danh ngôn
“Tìm người tài, không tìm người nhà…” (Nguyễn Xuân Phúc)
Một nhà báo nữ đã tìm ra người tài có 1-0-2 ở VN là quan đầu tỉnh Hà Giang, và ghi lại trên stt “Bây giờ em mới biết”… Bảo đảm đương kim bí thư tỉnh ủy Hà Giang không thua gì Sầm Đức Xương xưa kia, ở 1 diện khác. (FB Đinh Tấn Lực)

tỔNG THỐNG PHÁP TÊN GÌ ?

Tiêu chuẩn

BBC 

07/9/2016

Một người làm báo chia sẻ ảnh chụp thẻ đón Tổng thống Pháp Francois Hollande với tên ông được phiên âm.

Hôm nay 7/9, Tổng thống Pháp gặp gỡ doanh nghiệp phần mềm trẻ, thăm viện Tim Phạm Ngọc Thạch, gặp Bí thư Thành ủy TP HCM Đinh La Thăng và Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thành Phong và kết thúc chuyến thăm Việt Nam.

VÌ SAO 20 NĂM MỚI CÔNG BỐ NGÀY MẤT CT HỒ CHÍ MINH ?

Tiêu chuẩn

VNexpress đăng ngày 30/8/2014, tác giả Hoàng Thùy

Chủ tịch Hồ Chí Minh mất ngày 2/9/1969, nhưng do trùng ngày Quốc khánh nên Bộ Chính trị lúc bấy giờ thông báo là ngày 3/9. Hai mươi năm sau, toàn văn di chúc và ngày mất của Bác mới được công bố.

Ngay sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, di chúc của Bác đã được công bố. Song do hoàn cảnh lịch sử lúc bấy giờ nên có một số điều chưa được công bố.

Dịp kỷ niệm 20 năm ngày mất và chuẩn bị 100 năm ngày sinh của Bác, Bộ Chính trị, Ban chấp hành trung ương Đảng khoá VI thấy trách nhiệm phải thông báo về ngày mất và di chúc của Người. Thông tin được công bố trong thông báo của Bộ Chính trị số 151 ngày 19/8/1989.

Di chúc công bố được chỉnh sửa

Năm 1965, Chủ tịch Hồ Chí Minh tự tay đánh máy bản di chúc gồm 3 trang, ở cuối đề ngày 15/5/1965. Đây là bản di chúc hoàn chỉnh, có chữ ký của Bác và góc trái có chữ ký người chứng kiến là Lê Duẩn, Bí thư thứ nhất Ban chấp hành trung ương Đảng lúc bấy giờ.

Năm 1968, Bác viết tay bổ sung thêm 6 trang. Trong đó, Hồ Chủ Tịch viết lại đoạn mở đầu, đoạn nói về việc riêng đã viết trong bản 1965 và thêm một số đoạn. Đó là những đoạn nói về công việc cần làm sau cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước như: chỉnh đốn lại Đảng, chăm sóc đời sống của các tầng lớp nhân dân, miễn thuế một năm cho các hợp tác xã nông nghiệp, xây dựng lại thành phố, làng mạc, khôi phục và phát triển kinh tế, văn hoá, củng cố quốc phòng, chuẩn bị thống nhất đất nước.

Đoạn viết về chỉnh đốn lại Đảng và chăm sóc thương binh, Bác gạch chéo. Đoạn nói về xây dựng lại đất nước, phát triển kinh tế, văn hoá, chuẩn bị thống nhất đất nước được gạch dọc bên trái ngoài lề. Ngày 10/5/1969, Bác viết lại toàn bộ đoạn mở đầu di chúc gồm một trang viết tay.

Hội nghị bất thường của Ban chấp hành trung ương Đảng (khoá 3) chiều 3/9/1969 đã giao Bộ Chính trị trách nhiệm công bố di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bản công bố chính thức chủ yếu dựa vào bản 1965, trong đó một số đoạn được bổ sung hoặc thay thế bằng những đoạn tương ứng viết năm 1968 và 1969. Cụ thể, cơ cấu của bản di chúc đã công bố chính thức như sau:

Đoạn mở đầu lấy nguyên văn bản 1969 thay cho đoạn mở đầu bản 1965. Bút tích của Bác về đoạn này đã được chụp lại và công bố đầy đủ năm 1969.

Phần giữa, từ đoạn nói về Đảng đến hết đoạn nói về phong trào cộng sản thế giới giữ nguyên văn bản 1965.

Đoạn viết về việc riêng, năm 1965, Người dặn dò việc hoả táng, để lại một phần tro xương cho miền Nam. Năm 1968, Bác viết lại đoạn này, dặn để tro vào 3 hộp sành, cho Bắc – Trung – Nam mỗi miền một hộp. Ngoài ra, Bác còn viết bổ sung một đoạn nói về cuộc đời bản thân: “Suốt đời tôi hết lòng hết sức phục vụ tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân. Nay dù phải từ biệt thế giới này, tôi không có điều gì phải hối hận, chỉ tiếc là không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa”.

Bản di chúc đã công bố lấy nguyên văn lời Bác viết về việc riêng năm 1968, trừ đoạn nói về hoả táng.

Bản di chúc công bố có một câu sửa lại. Bản năm 1965 Bác viết: “cuộc kháng chiến chống Mỹ có thể kéo dài mấy năm nữa”, bản công bố chính thức sửa lại là “cuộc kháng chiến chống Mỹ có thể còn kéo dài”.

Bộ Chính trị Ban chấp hành trung ương Đảng khẳng định bản di chúc đã công bố đảm bảo trung thành với bản gốc. Việc chọn bản năm 1965 để công bố là đúng đắn vì đây là bản duy nhất được viết hoàn chỉnh, có chữ ký của Bác, bên cạnh có chữ ký chứng kiến của Bí thư thứ nhất là ông Lê Duẩn.

Lấy đoạn mở đầu 1969 thay cho đoạn mở đầu 1965, theo Bộ Chính trị Ban chấp hành trung ương Đảng là hợp lý vì Bác qua đời năm 1969 và nội dung bản viết năm 1969 cũng phong phú hơn. Đoạn viết về việc riêng, bổ sung phần 1968 vào bản 1965 là rất cần thiết nhằm phản ánh cuộc đời đẹp đẽ, trong sáng, vì dân, vì nước của Bác.

“Sở dĩ trước đây chưa công bố đoạn Chủ tịch Hồ Chí Minh viết về yêu cầu hoả táng là thể theo nguyện vọng và tình cảm của nhân dân, Bộ Chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng (khoá 3) thấy cần thiết phải giữ gìn lâu dài thi hài của Bác để sau này đồng bào cả nước, nhất là đồng bào miền Nam, bạn bè quốc tế có điều kiện tới thăm viếng, thể hiện tình cảm sâu đậm với Bác. Điều này đã xin phép Bác nên được làm khác với lời Bác dặn”, bản thông báo năm 1989 nêu rõ.

Việc chưa công bố một số đoạn viết thêm năm 1968 về những việc cần làm sau cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước được Bộ Chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng (khoá 3) giải thích: Năm 1969, khi Bác qua đời, cuộc kháng chiến còn gay go, ác liệt, Việt Nam chưa giành được thắng lợi cuối cùng, nên việc công bố lúc bấy giờ là chưa thích hợp.

Mặt khác, một số câu Bác viết rồi lại xoá, như đang cân nhắc, chưa xong hẳn, chưa nói rõ ý như thế nào. Khi Bác mất, cuộc chiến còn khó khăn và ác liệt, vì vậy, Bộ Chính trị đã quyết định sửa mấy chữ trong câu “cuộc kháng chiến chống Mỹ có thể kéo dài mấy năm nữa” thành “cuộc kháng chiến chống Mỹ có thể còn kéo dài”.

Việc miễn thuế nông nghiệp một năm cho các hợp tác xã chưa có điều kiện thực hiện. Năm 1989 tình hình kinh tế xã hội Việt Nam còn nhiều khó khăn, Bộ Chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng (khoá VI) thấy cần có kế hoạch thực hiện mong muốn của Hồ Chủ tịch nên đã giao Hội đồng Bộ trưởng trình Quốc hội thực hiện.

Ngày Bác mất trùng ngày vui dân tộc

Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời lúc 9h47 ngày 2/9/1969, ngày Quốc khánh của Việt Nam. Vì trùng với ngày vui lớn của dân tộc, Bộ Chính trị ban chấp hành trung ương Đảng khoá 3 đã quyết định công bố lùi lại một ngày, là 3/9/1969.

“Bộ Chính trị Ban chấp hành trung ương Đảng khoá 6 cho rằng nay cần công bố lại đúng ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời”, thông báo số 151 của Bộ Chính trị ngày 19/8/1989 nêu rõ.

LÊ VŨ ÁNH, CON GÁI LÊ DUẪN BỊ ĐẦU ĐỘC ?

Tiêu chuẩn

Cho mãi đến đầu thập niên 80 của thế kỷ trước (thì) mối quan hệ tình cảm cá nhân giữa người Việt và người bản xứ (khối CS) mới cởi mở hơn. Và tui (KVC) là một trong những trường hợp (may mắn !?) đó.

Hồi ký của Viện sỹ Viện Hàn lâm Khoa học Nga Viktor Maslov

Tác giả: Viktor Maslov

Dịch giả: Cao Kim Ánh, 2015

Sửa chữa: tháng 8-2016

Cõ lẽ tất cả đã khác đi, nếu như tôi biết được từ đầu Lê Vũ Anh là con gái của ai. Khi sự thật được khám phá thì đã quá muộn. Tôi đã yêu mê muội, và không thể dứt khỏi nàng được nữa.

Chúng tôi gặp nhau ở Khoa Lý MGU, nơi Anh học tập. Trước lúc gặp Anh tôi đã là giáo sư, tiến sĩ khoa học toán – lý và là tác giả của lý thuyết được biết đến ở nước ngoài dưới tên gọi “Maslov-type index theory” (lý thuyết chỉ số kiểu – Maslov). Lý thuyết này được ứng dụng rộng rãi trong toán học trừu tượng, và cả trong cơ học lượng tử, hóa học lượng tử và quang học. Chỗ làm chính của tôi là Viện chế tạo máy điện Moskva – MIEM, nhưng Khoa Lý vẫn là nơi ruột thịt: tôi đã có thời học tập và giảng dạy ở đó.

Bao nhiêu năm đã trôi qua … Cả một đời người. Nhiều sự kiện và ấn tượng bật ra từ ký ức, và nàng công chúa lộng lẫy thoáng hiện ra ở cuối hành lang hôm ấy cho đến lúc này vẫn như đang hiển hiện trước mắt. Một cô gái không quen biết có dáng đi kiều diễm đặc biệt làm tôi sửng sốt và say mê bước theo. Nàng dừng lại một chút ở cửa phòng thí nghiệm và quay lại. Nhìn tôi với ánh mắt đen trong một giây, nàng mỉm cười rồi lẩn vào bên trong. “Một cô gái ngoại quốc” – tôi hiểu ra, và đoán chắc là một cô gái Ấn Độ.

Tôi không dấu diếm là luôn thích phụ nữ đông phương. Một nhà vật lý là bạn tôi đã nói đùa: “Maslov của chúng ta là một tay “thám hiểm phương đông” lớn!” Khá nhiều sinh viên từ các nước châu Á học tập tại MGU, trong số đó có cả các công dân đến từ Việt Nam đang trong lửa đạn. Mọi người đều cảm thông và có cảm tình với các sinh viên này. Tại Khoa Lý cũng có những người Việt, và tôi lập tức kêt bạn với họ, đặc biệt với hai cô gái – Phúc và Tình. Phúc là con gái nhà chính trị nổi tiếng Võ Nguyên Giáp, lúc đó đang là Bộ trưởng Quốc phòng. Tình là con gái Thị trưởng Hà Nội. Cả hai đều giấu cha họ là ai, cũng như các sinh viên khác mà gia đình thuộc hàng ngũ lãnh đạo, do lo ngại các ý đồ chính trị và sự khiêu khích từ phía chính quyền xô viết.

Maslov và vợ, Lê Vũ Anh. Ảnh: tư liệu riêng của Maslov

Vấn đề là giữa hai nước có mối quan hệ khá đặc thù, cho dù cả hai phía đều đưa ra cam kết về một tình hữu nghị lâu dài. Liên Xô quan tâm đến việc mở rộng ảnh hưởng ở Châu Á, đặc biệt trong điều kiện các mâu thuẫn gia tăng với Trung Quốc, và do vậy đã tỏ ra hào hiệp giúp đỡ “người anh em” Việt Nam. Còn Việt Nam thì hài lòng kết thân với Ông anh cả, nhưng không chịu hi sinh các lợi ích riêng và trở thành kẻ lệ thuộc. Các nhà lãnh đạo lợi dụng các cơ hội để con cái họ được hưởng nền giáo dục có chất lượng khá cao của Liên Xô, nhưng lại sợ rằng chúng bị tống tiền hoặc bắt cóc để gây áp lực lên bố mẹ, và đòi hỏi chúng phải ngụy trang. Có lẽ đó là nguyên nhân mà các lãnh tụ Việt Nam, theo tôi, đã quá cẩn trọng. KGB không cần phải bám theo con cái họ, nhưng biết rõ ai là ai.

Tôi thích Phúc, giúp cô học toán, mời đến nhà không chỉ một lần – cả một mình lẫn cùng bạn bè – nhưng giữa chúng tôi không hề có dù chỉ là dấu hiệu về một mối tình. Cô gái Việt Nam đáng yêu tránh xa tôi trước mặt mọi người như tránh lửa.

Một lần chúng tôi cùng trở về từ chỗ người đánh máy công trình khoa học của Phúc, tôi là người giới thiệu họ với nhau. Trên con phố nhộn nhịp của Moskva mà cô gái hành xử như một cô du kích trong lòng địch: trông rất hốt hoảng và luôn ngó nghiêng xung quanh. Phúc đặc biệt căng thẳng với giao thông công cộng. Thoáng thấy ô-tô bus hay trolleybus là cô ấy loay hoay định trốn.
– Cô làm sao thế? – Tôi hỏi – Cô sợ cái gì?
– Sợ trong đấy có người Việt Nam!
– Có gì mà sợ vậy?
– Nêu họ thấy em đi với người Nga, họ sẽ không hoan nghênh em đâu.

Tôi bắt đầu lục vấn. Hóa ra người Việt Nam bị cấm giao thiệp với người Âu, “bọn mũi lõ” như họ nói. Từ hàng thế kỷ mối quan hệ đó bị lên án và những người có quan hệ bị xem là phản bội. Cô gái nào đi với “bọn mũi lõ” trên phố sẽ bị nguyền rủa, và đôi khi còn bị ném đá. Những người cộng sản, sau khi nắm quyền ở nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, thật lạ lùng là vẫn giữ cái nếp phong kiến đó. Vi phạm các cấm kỵ trong giao tiếp với người nước ngoài sẽ kéo theo sự lên án của xã hội, bị kiểm điểm trong các cuộc họp đảng và đoàn thể, thậm chí còn bị bỏ tù. Ra nước ngoài công dân Việt Nam cũng phải tuân thủ các chuẩn mực đạo đức trong nước. Theo họ, thậm chí vũ ba-lê cổ điển cũng ngang với chuyện khiêu dâm. Về sau Anh kể chuyện rằng các nhà ngoại giao khi xem ba-lê ở Nhà hát Lớn còn ngồi nhắm mắt để khỏi phải nhìn các vũ điệu “không đứng đắn” của các vũ nữ ăn mặc hở hang.

Các bạn Việt Nam đã giới thiệu tôi với cô gái xinh đẹp đó, nàng hóa ra là đồng hương với họ. Lê Vũ Anh thích toán và muốn học sâu về môn này. Tất nhiên tôi đồng ý giúp nàng. Anh làm tôi sửng sốt ngay lập tức, nàng thực sự là một quý cô trẻ tuổi, không giống với các phụ nữ Việt Nam điển hình khác: khá cao, trắng trẻo, với đôi mắt hoàn toàn không xếch. Và cư xử như một quý cô cành vàng lá ngọc – rất giản dị, nhưng với một sự tôn quý khác thường. Trong nước Anh được xem là một trong các mỹ nữ hàng đầu. Và ở đây nàng luôn được các chàng trai trẻ để ý tới.

Về sau tôi được biết rằng trong huyết quản của Anh ngoài dòng máu Việt còn có cả dòng máu Trung Hoa. Mẹ của nàng, Bảy Vân, một phần tư là người Trung Hoa. Ở Việt Nam người ta không biết điều này, gia đình che dấu “mối liên hệ với Trung Quốc”. Sự thật là khi còn thơ ấu Anh đã có một thời gian sống ở đó. Bạn gái của nàng là con gái Đặng Tiểu Bình – bạn của cha và là nhân vật thứ hai thiên hạ sau Mao. Với Người cầm lái vĩ đại cô bé cũng quen biết. Anh đã cho xem tấm ảnh nàng ngồi quỳ gối bên Mao Trạch Đông.

Thời trẻ Bảy Vân là người xinh đẹp. Lê Duẩn vì bà mà chia tay với người vợ đầu do bố mẹ cưới cho. Ông thuộc về một gia đình có truyền thống gia trưởng mạnh mẽ. Người vợ thứ hai xuất thân từ một gia đình trí thức, nhưng như tôi đã nhắc tới, bà không thể tự hào về một nguồn gốc “trong sạch”. Anh là đứa con đầu tiên. Ngoài nàng ra Lê Duẩn còn có các con gái từ cuộc hôn nhân đầu, và hai người con trai với bà Bảy Vân. Hai trong số các con của ông –Thành, con trai và Muội, con gái – trong thời gian đó cũng sống tại Moskva. Muội lớn tuổi hơn Anh nhiều và có nhiệm vụ trông coi em gái. Chị ấy tốt nghiệp đại học ở Liên Xô và là nhà sinh học. Chị sống cùng chồng và con gái một số năm ở Moskva. Nhưng tôi biết về tất cả những điều này khá muộn về sau …

Vì Anh tôi nhận dạy một chuyên đề không bắt buộc về toán ở Khoa Lý. Ban đầu rất đông người dự, dần dần họ bắt đầu chán và bỏ học, cuối cùng chỉ còn hai chúng tôi. Anh cố gắng, nàng rất có năng lực và cần cù. Hai chúng tôi bị hút vào nhau không cưỡng lại được. Bắt đầu gặp gỡ – tại nhà tôi và tại ngôi nhà ngoại ô (đatra) ở Krasnaya Pakhra. Cùng học, cùng nghe nhạc, nói chuyện với nhau về đủ thứ. Anh giữ phong thái tự do hơn các bạn gái của mình nhiều và không sợ điều gì cả.

Mẹ tôi ngay lập tức thích nàng. Nói chung, bà thích tất cả những thú đam mê của tôi. Bà mẹ đã từ lâu mong mỏi cưới vợ cho người con trai duy nhất.

Tôi có cuộc sống riêng tư khá phóng túng và thậm chí có cả những đứa con ngoài giá thú. Một trong số đó – Sergey Majarov – đã gặp tai nạn, và tôi phải chịu đựng điều đó một cách nặng nề. Serioja di cư sang phương Tây vào đầu những năm 80 cùng cha mẹ. Sống ở Paris, thu nhận học vấn, mở hãng và làm về tin học. Lúc đầu công việc diễn ra không thật tích cực, nhưng khi Liên Xô bắt đầu cải tổ, Sergey hiểu các vấn đề kinh tế của đất nước và tỏ ra là một nhà quản trị tốt. Sau một vài phi vụ lớn thì trở thành triệu phú, sở hữu một bất động sản rất hoành tráng và thậm chí có cả salon về mode riêng. Sống thoải mái, giàu sang, không ở cùng với vợ – con gái nhà văn Anatoli Gladinin, người đã sinh cho Sergey hai đứa con. Nó đối xử dịu dàng với đám con của tôi. Trước khi chết ít lâu Serioja trở thành nhà sản xuất của bộ phim “Limita” của Denis Evstingneev. Sergey bị giết hôm 22 tháng 11 năm 1994 tại căn hộ của mình ở trung tâm Paris: bị bắn bằng súng tự động qua cánh cửa ra vào bọc thép. Cảnh sát Pháp xem đây là vụ có dính đến maphia Nga. Như tôi biết được thì vụ phạm tội này vẫn còn chưa được phanh phui …

Trước khi gặp Anh tôi không có ý hướng tới các mối quan hệ nghiêm túc, dường như còn muốn đợi điều gì. Và tôi đã đợi được – tôi không có được với bất kỳ người phụ nữ nào những tình cảm như có với nàng. Về tuổi, nàng chỉ như con gái tôi – ít hơn tôi đúng hai mươi tuổi – nhưng chúng tôi không cảm thấy khoảng cách tuổi tác ấy. Nàng ít kể về mình: đến từ Nam Việt Nam (Anh đã đăng ký ở sứ quán của quốc gia này để ngụy trang, khi ấy đất nước chưa thống nhất), sống ở nông thôn trong vùng du kích. Vào Đảng cộng sản năm 17 tuổi. Về sau tôi nói đùa: “Tôi có vợ là nữ đảng viên cộng sản từ năm 17 tuổi”. Trên thực tế điều đó thật đáng ngạc nhiên. Ở Việt Nam, được kết nạp vào đảng ở tuổi ấy rất hiếm, chỉ có những người có công trạng đặc biệt.

Không loại trừ trường hợp Anh đã giúp đỡ du kích và lập được chiến công nào đó. Nàng im lặng về việc này. Cũng như im lặng về một số thành viên của gia đình mình. Chỉ có một lần, khi chúng tôi đã sống cùng nhau và nàng đã cởi mở hơn rất nhiều, nàng mới buột miệng: “Ông nội em làm quan”. Tiếng Nga của Anh khá ngộ nghĩnh. Nàng cười: ”Em nói tiếng Nga càng kém, ở Liên Xô người ta càng đối tốt với em!”. Khó khăn nhất với nàng không hiểu tại sao lại là cách gọi tên họ của người Nga. Tôi còn nhớ khi cô ý tá hỏi Anh họ, tên và tên bố của các con gái chúng tôi, nàng đã trả lời một cách rất nghiêm túc là “Tôi còn chưa học được điều này!”. Nhưng tôi lại chạy trước mất rồi …

Khi một mình ở bên tôi, Anh tỏ ra khiêm tốn và rất kiềm chế, nhưng tôi cảm thấy như nàng đang vật lộn với tình cảm của mình. Một lần trong cuộc gặp ở nhà nghỉ ngoại ô, nàng đã suýt để lạc mất lý trí. Tôi không biết cái ôm và nụ hôn sẽ kết thúc ra sao, nếu bỗng nhiên không có tiếng chuông cửa. Người hàng xóm ghé sang, và chúng tôi nói chuyện chừng năm phút ngoài sảnh, không hơn. Khi tôi quay lại, trong phòng không còn ai. Anh đã nhảy qua cửa sổ – sực tỉnh khỏi cơn mê đắm và bỏ chạy.

Tôi hiểu đối với Anh tình yêu với một người Âu là một thử thách như thế nào. Nhưng không nhận thức được kích cỡ của các vấn đề đang đặt ra với nàng, trong đó không chỉ có các truyền thống hàng trăm năm và các chuẩn mực về đạo đức, mà còn có các âm mưu trong nội bộ đảng, và các quan hệ quốc tế rắc rối. Tôi hồi đó không có ngay cả chút nghi ngờ về việc Anh là con gái của Tổng bí thư BCH trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Lê Duẩn. Không thể biết được điều đó theo tên và họ của nàng. Như về sau biết được, ở Khoa Lý ngoài một vài đồng hương chỉ có một người biết gốc gác gia đình lãnh tụ Việt Nam của Anh – đó là Phó khoa phụ trách công tác với người nước ngoài.

Tình yêu của chúng tôi có thể làm hại cha của Anh và trở thành một con bài mặc cả của các đối thủ. Đứng ngay sau lưng ông là đối thủ cạnh tranh trong nhiều năm – Trường Chinh, tổng bí thư đảng cộng sản trước Lê Duẩn. Lê Duẩn hướng về mô hình phát triển đất nước kiểu xô-viết. Trường Chinh – mô hình Trung Quốc. Anh cho rằng Việt Nam sẽ chết nếu đối thủ của cha nắm được chính quyền. Đối với Liên Xô, đó cũng là điều hết sức không mong muốn. Sau cái chết của Lê Duẩn, Trường Chinh trở thành Tổng bí thư BCH trung ương ĐCS Việt Nam, và đã chẳng xẩy ra điều gì đáng sợ.

Cô gái tội nghiệp không biết làm thế nào. Nàng thậm chí còn bắt đầu hẹn hò với một người Việt học tại khoa Toán – Cơ (tôi sẽ gọi anh ấy là Vân) để quên tôi đi, mà không hiểu rằng những khó khăn cản trở chỉ càng làm cho tình cảm bây giờ mãnh liệt thêm.

Một lần dầu sao chúng tôi cũng được ở gần nhau. Tôi lập tức đề nghị Anh lấy tôi làm chồng.
– Chuyện này không thể được, – nàng trả lời, rất buồn bã – Giữa hai nước có một thỏa thuận không nói ra cấm việc hôn nhân giữa các công dân Việt Nam và Liên Xô.
– Anh sẽ suy nghĩ cách để vượt qua điều này.
– Không, không thể được!
– Tại sao ?!
– Em không yêu ông!

Nhưng qua mắt nàng, thì không phải thế. Tôi quyết định không vội vã đẩy nhanh sự việc, để cho Anh có thì giờ suy nghĩ và lắng nghe tình cảm của mình. Và nàng biến mất. Trước đây vẫn thường xảy ra chuyện như vậy, những khi Anh tự cho phép mình một điều gì đó “riêng”, và rồi ăn năn về việc này. Sau đó mọi việc lại quay lại như trước. Nhưng bây giờ tôi không thể tìm thấy nàng. Sắp đến kỳ nghỉ hè. Sinh viên tản đi mọi nơi. Tôi khó nhọc đợi đến khi bắt đầu năm học mới, nhưng Anh cũng không xuất hiện ở MGU sau ngày mồng một tháng Chín.

Tôi không chịu đựng được nữa và gọi cho Phó khoa phụ trách sinh viên nước ngoài:
– Bà có thể cho tôi biết cô sinh viên Lê Vũ Anh đã học chuyên đề của tôi đi đâu không? Cô ấy đã đạt được thành tích khá như thế.
– Cô ấy đã đi lấy chồng, lấy một người đồng hương, cũng là sinh viên của chúng ta, và đã về nước. Chàng trai tên là Vân. Họ sẽ quay lại vào cuối tháng cùng với cha của Anh. Ông ta có cuộc gặp với Brejnev – bà ta khẽ nói.

Tôi suýt khuỵu xuống khi nghe điều này. Gặp Brejnev vào cuối tháng chín sẽ phải là Lê Duẩn. Các miếng ghép hình được xếp xong một cách bất ngờ, và tôi chợt hiểu ra rất nhiều điều lạ lùng trong các câu chuyện và trong cách cư xử của người yêu. Anh của tôi là con gái của lãnh tụ cộng sản Việt Nam! Nhưng làm sao mà nàng có thể phản bội tình yêu của chúng tôi ?!

Về sau Anh đã giải thích mọi chuyện. Khi chúng tôi đã trở nên gần gũi và tôi đề nghị trao cho nàng “cả cánh tay và trái tim”, nàng đã chịu một cú stress nặng nề và than vãn với bạn mình là Vân. Nàng nói rằng chỉ ràng buộc với tôi về tình bạn: vâng, chuyện đã là như vậy, ngoài ý muốn của nàng và Anh lấy làm tiếc về điều đó. Vân yêu nàng và xin cưới ngay. Nàng bị ràng buộc vào anh ta và đồng ý, bảo rằng sẽ cố yêu anh ấy hơn. (Anh nói đúng như vậy: “Em sẽ cố yêu anh hơn”.)

Cuộc hôn nhân này là một cú đánh vào Lê Duẩn. Vị lãnh tụ có lẽ đã dự tính cho con gái yêu một nơi phù hợp hơn, trong số các “hoàng tử” của các nước láng giềng cũng có những người để ý đến nàng. Vân là một cậu chàng trí thức trẻ, một tài năng toán học, nhưng không môn đăng hộ đối với Anh. Lê Duẩn tha thứ cho cuộc hôn nhân không xứng này của con gái, nhưng dứt khoát không đồng ý mong muốn ở lại Việt Nam của nàng. Anh cần phải tốt nghiệp MGU. Chỉ còn một năm nữa nàng sẽ kết thúc việc học tại Khoa Lý. Vân cũng muốn làm nghiên cứu sinh ở Moskva. Anh buộc phải phục tùng, với hi vọng việc nàng lấy chồng sẽ làm thay đổi mọi sự và ngăn trở việc tiếp tục cuộc tình của chúng tôi.

Khi nàng quay lại Moskva tôi thuyết phục nàng đến đatra – cùng với Phúc. Anh không thể từ chối, nhưng cư xử một cách kiềm chế. Tôi cố gắng để khung cảnh được thoải mái. Nói đùa, kể chuyện tiếu lâm, và sau đó đề nghị các cô cùng đi bơi thuyền, cho dù bấy giờ đã là cuối thu, thời tiết không được tốt. Khi chúng tôi đến gần bờ, Phúc quay thuyền một cách vụng về và ngã xuống nước. Tôi lôi cô ấy lên và chạy vội đến ngôi nhà gần nhất mượn quần áo ấm. Chủ nhà đưa cho mấy bộ đồ sưởi để chúng tôi ủ ấm cho Phúc. Tôi bế cô ấy về đatra, xoa cồn, cho uống rượu ngọt. Phúc ấm lên và chìm vào giấc ngủ. Còn tôi và Anh, chúng tôi không còn sức để xem nhau chỉ là bạn thêm nữa. Nàng thú nhận rằng muốn sống cùng tôi, nhưng không tin là điều này có thể được.

– Mấy năm trước chính quyền đã không cho phép con gái một vị bộ trưởng cưới con trai thủ tướng một nước châu Âu. Đôi trẻ đã tự tử. Những chuyện như vậy từng xảy ra nhiều. Anh không tưởng tượng được là có bao nhiêu người đã thiệt thân vì cái truyền thống này đâu!
– Mọi việc của chúng ta sẽ tốt! Chúng ta sẽ cưới nhau! – tôi an ủi Anh.

Tất nhiên chúng tôi không phô trương quan hệ của mình để người ta không xử lý Anh, hoặc tệ hại hơn – bắt nàng về nước. Thông thường các mối tình Xô-Việt được Sứ quán biết một cách nhanh chóng. Các đôi uyên ương bị các đồng bào “gõ cửa” cảnh báo. Chúng tôi giữ kín chuyện được gần một năm. Bằng chứng là không thấy có ai theo dõi “các trẻ” Việt Nam, ít nhất là không thường xuyên có chuyện đó. Về sau Anh có thai và không hiểu sao giấu tôi. Nàng đã sơ xuất, chắc vậy, dẫn đến việc sẩy thai. Tôi đi cùng nàng đến bệnh viện và vô cùng hoảng sợ rằng mọi chuyện sẽ vỡ lở và người ta sẽ bắt Anh đi. Tôi còn lo sợ hơn cho sức khỏe của nàng. Mặc họ đưa nàng đi, miễn là mọi chuyện đối với nàng được tốt đẹp. Lần ấy mọi chuyện trót lọt.

***

Sau khi ra viện người ta chuyển Anh về Pushkino, đến an dưỡng đường đặt trong một nhà thờ. Ở đấy nàng có một địa vị đặc biệt, tất nhiên rồi, người ta xếp nàng ăn tại phòng ăn dành cho những nhân vật danh giá. Các cô phục vụ nâng cao khay của nàng khi đi qua phòng lớn, còn những cư dân đang nghỉ dưỡng cố liếc mắt để xem người ta chăm sóc công chúa Việt Nam thế nào. Anh đau khổ với các quy cách xô-viết này, nhưng buộc phải sống hòa thuận với chúng.

Ở Pushkino Anh cảm thấy buồn chán, nàng bắt đầu đề nghị tôi đến thăm. Tôi từ chối mãi, bảo rằng sợ họ bắt được, nhưng rồi cũng đầu hàng và khuất phục. Tôi đến thăm nàng, mang theo con chó fox, và thu xếp để ở bên cạnh an dưỡng đường. Trong một lần hẹn hò trong rừng chúng tôi đã chạm mặt một nhân viên an ninh. Anh ta ngồi trong bụi cây, và bị con chó của tôi phát hiện.

– Anh theo dõi tất cả hay chỉ chúng tôi?
– Theo dõi tất cả, – anh ta an ủi. – Chỗ này là Gestapo đấy.

Thế là mọi chuyện bại lộ, hoàn toàn ngẫu nhiên. Các cơ quan tìm hiểu xem tôi là ai, và báo cáo với Lê Duẩn rằng con gái ông đang yêu một nhà vật lý xô-viết. Một cuộc họp gia đình được triệu tập để phán xét hành tung của Anh. Nhưng những người ruột thịt e ngại nàng, vì nàng tỏ ra rất dũng cảm và độc lập. Thậm chí phê bình cả cha. Theo tôi thì Anh là người cộng sản lớn, lớn hơn chính Lê Duẩn.

Ban đầu họ quyết định hạn chế việc xử lý trong phạm vi hẹp – các bạn bè của gia đình đang ở Moskva. Họ mời Anh đến Nhà hát Lớn xem vở ba-lê “Anna Karenina”. Điều đó không phải ngẫu nhiên. Họ muốn nhắc nhở Anh nghĩa vụ đối với gia đình, lấy nữ nhân vật của Tolstoi làm “đại sứ thiện nguyện”: “Thấy cuộc đời người đàn bà phụ bạc chồng mình kết thúc thế nào chứ?”. Anh cố nén cười.

Lê Duẩn không thể sử dụng bạo lực và chuyển cô con gái yêu đi nơi khác. Cuối cùng nàng vẫn giữ cuộc hôn nhân và cần phải sống cùng chồng ở Moskva. Mọi chuyện yên ắng dần sau một thời gian, nhưng không được phép mềm yếu, cần phải đăng ký cuộc hôn nhân của chúng tôi càng nhanh càng tốt.

Vân không muốn ly hôn. Có thể câu chuyện không chỉ phụ thuộc vào tình cảm của anh ấy, mà còn vì quyền lợi của người cha, mà sự nghiệp của ông ta sau đám cưới của con trai lên như diều gặp gió. Tôi đề nghi Anh thể hiện sự thông minh và tỏ ra ngoại giao, cố gắng thương lượng với chồng, nhưng nàng không muốn làm chuyện khôn khéo. Kết quả là quan hệ của nàng với Vân trở nên căng thẳng. Nhưng khi Anh lại mang thai, thì mọi chuyện đã đến hạn. Nàng buộc phải hành động để khỏi bị rơi vào tình cảnh nhập nhằng: nếu khi sinh đứa con của chúng tôi nàng vẫn còn là vợ Vân, phía Việt Nam có thể áp đặt quyền của họ đối với cháu.

Nàng hứa với Vân là ở Việt Nam sẽ không ai biết về việc họ ly hôn: “Em sẽ giữ bí mật chuyện này, và chúng ta vẫn sẽ là bạn. Chính anh đã nói rằng anh yêu em. Không lẽ anh muốn em sẽ phải căm thù anh?”. Chàng trai đầu hàng. Anh ấy vẫn yêu Anh như trước. Họ làm thủ tục ly hôn tại Văn phòng ZAGS1 cho người nước ngoài ở Moskva, nhưng như một vụ ly hôn của những người Việt Nam bình thường và không thông báo gì cho Lê Duẩn. Cũng không ai nghĩ đến việc thông báo cho Sứ quán Việt Nam. Vân chịu đựng vụ chia ly rất nặng nề, thậm chí phải vào viện tâm thần.

Phần 2

Chúng tôi giấu việc Anh mang thai để không ai ngăn cản nàng sinh nở và đăng ký cho đứa bé tại Liên Xô. Trường đại học thu xếp cử nàng đi công tác vài tháng đến một trường đại học ở Kiev và giúp đỡ gọi cho chị Muội “từ Kiev” (Anh giữ liên lạc với gia đình thông qua chị), và gửi thư từ cho gia đình với các dấu bưu điện ở Kiev, để đánh lạc hướng mọi người. Suốt thời gian mang thai Anh sống với tôi ở đatra, và lánh mặt khi có ai đó ghé thăm.

Trong thời kỳ trì trệ2 các cuộc hôn nhân của công dân Moskva và vùng Moskva với các công dân nước ngoài chỉ được tiến hành ở hai Văn phòng ZAGS – một ở Moskva, một ở Zagorsk – có lẽ để thuân tiện cho cho việc kiểm soát của KGB. Chúng tôi không có việc gì phải làm với hai cơ quan này. Theo luật pháp hồi ấy khi ở một điểm dân cư nào đó không có Văn phòng ZAGS thì có thể làm đăng ký hôn nhân tại Xô viết đại biểu địa phương. Tôi quyết định lợi dụng việc này và đăng ký kết hôn ở Troitsk. Ở thị trấn Viện hàn lâm này tôi có nhiều bạn bè trong tất cả các viện. Tất nhiên nếu họ biết được ai là cô dâu thì chưa chắc đã dám giúp cho đám cưới của chúng tôi. Đành phải láu cá, đánh lừa, thậm chí làm giả cả giấy phép đồng ý cho kết hôn của Sứ quán Việt Nam. Điều quan trọng nhất là tôi phải có giấy chứng nhận cư trú tin cậy ở Troitsk. Cho dù theo luật về hôn nhân thì điều này không bắt buộc.

Vào những ngày này tôi xây dựng tại đatra một cái gara, rất hoành tráng, như phần nối dài của ngôi nhà. Một trong các bức tường của nó có hình bán nguyệt.

Các cửa sổ phải làm khá hẹp và kéo dài, trông như các lỗ châu mai, tôi còn nẹp thêm các thanh thép. Cửa vào căn phòng này bọc thép. Thành thử trông cứ như một pháo đài. Và nó về sau đã hoàn thành cái chức năng này của mình.

Theo luật Liên Xô, muốn xây gara thì phải là công dân địa phương. Tôi đến gặp trưởng công an Troitsk.
– Tôi muốn đăng ký (hộ khẩu) ở đatra để xây cái gara, có được không?
– Hoàn toàn được, anh đến chỗ mình ở trong Moskva xin chuyển đăng ký về đây, rồi nạp cho phòng hộ chiếu của chúng tôi.

Tôi làm giấy chuyển đăng ký, nhưng phụ trách phòng hộ chiếu yêu cầu phải có giấy phép của chủ tịch Ủy ban hành chính của Troitsk, một người mà tôi có quan hệ rất tốt. Bà này đang sửa soạn đi nghỉ, do vậy bỏ qua nhiều chi tiết trong đơn của tôi. Tôi bèn lập tức đề nghị được phép đăng ký kết hôn ngay sau khi đăng ký (hộ khẩu). “Chúng tôi không thể đợi được. Cô dâu có bầu rồi, tôi có giấy xác nhận khám thai đây”. Bà Chủ tịch bèn ghi: “Cho phép đăng ký hôn nhân ngay sau khi Ủy ban có quyết định đăng ký hộ khẩu”. Và lên đường đi nghỉ.

Với các giấy tờ đó tôi đến gặp vị đại biểu phụ trách đăng ký kết hôn, là “người của mình”, thú thật rằng sẽ cưới một cô gái ngoại quốc, nhưng buộc phải giấu chuyện này, nếu không sẽ bị đuổi khỏi Viện NC mật đang làm. Anh này hứa sẽ thu xếp, giữ bí mật và nói bà thư ký ủy ban, một phụ nữ tốt bụng đẫy đà, xử lý cho. Tôi mừng rỡ, nhưng đã xảy ra một chuyện không lường trước. Trước hôm đăng ký vài ngày, họ chuyển bà thư ký đi, đưa về thay là một cô bé làm ở Quận đoàn komsomolsk Podolsk, một nhân vật cực kỳ tích cực. Tôi hoảng sợ rằng cô ta sẽ làm hỏng cuộc hôn nhân của mình.

Tôi cầu cứu bạn bè: cần vô hiệu hóa một cô gái, làm quen, quyến rũ, và đưa cô ta đi một ngày, để cô ấy phải bàn giao việc lại cho người phó. Tại sao phải làm vậy, tất nhiên tôi không nói. Một nhà khoa học trẻ – đẹp trai và dại gái, nhận lời giúp. Hôm sau chàng gọi điện đến: “Thứ bảy cô ấy sẽ vắng mặt. Đã xin nghỉ. Chỉ có điều phải kiếm cho chúng tôi vé xem buổi hòa nhạc nào thật hấp dẫn”. Chúng tôi kiếm cho họ vé buổi biểu diễn jazz Đức.

Người phó không gây thất vọng, làm đám cưới cho chúng tôi đúng như đã hứa, “không một tiếng ồn, không một hạt bụi”. Nhưng tôi, cho đến giây phút cuối cùng, vẫn sợ nhỡ có điều gì không hay xảy ra. Bulat Okudjava3 đề nghị: “Nếu có gì cản trở, gọi cho mình. Mình sẽ huy động các phóng viên ngoại quốc đến, và gây ầm ĩ đến mức họ không tưởng tượng ra được đâu”. Tôi biết Okudjava từ những năm thơ ấu, các bà mẹ của chúng tôi như hai chị em. Tôi đã sống hồi nhỏ tại gia đình Bulat, cả nửa năm tại căn hộ của anh trên Arbat. Vì sao thì không nhớ rõ.

Đó là năm 1937, một thời kỳ u ám. Nhiều người phải thay đổi chỗ ở, ẩn náu để tránh bị bắt bớ. Người ta vừa bắt đi cha của Bulat – ông Saliko. Mẹ tôi li dị với cha và lấy Boris Phedorovich Porsnev, một nhà sử học và triết học xuất chúng. Cha dượng đóng một vai trò rất lớn trong đời tôi. Tôi rất yêu quý ông. Có một thời gian tôi được mẹ của Bulat – Askhen Stepanova và bà tôi, Maria Bartanova, nuôi dưỡng. Askhen sau này luôn giúp đỡ chúng tôi, bà cũng dự đám cưới của tôi với Anh.

Tiệc mừng được tổ chức ở đatra. Chỉ mời những bạn bè thân nhất và người nhà. Mẹ tôi tặng cô dâu chiếc vòng đính kim cương của mình. Một chiếc vòng rất tinh xảo, “trí thức”, nhưng Anh ngại mang nó. Nàng là một cô gái khiêm tốn. Còn một món quà nữa của mẹ – một chuỗi hạt trai lớn có hình thù không đều đặn – mà Anh thường đeo dấu dưới áo.

Hôn thú được hoàn thành nhanh chóng đến ngạc nhiên, nhưng giấy đăng ký thì là cả một câu chuyện dài. Đầu tiên bà phụ trách hộ chiếu ngần ngại. Bà này thông báo rằng không có quyền cấp đăng ký, đó là quyết định của chủ tịch ủy ban, và chuyển hồ sơ về Moskva, đến Ban Nội vụ vùng. Ở đó họ dồn tôi chạy vòng quanh. Tôi phải đợi rất lâu tại cửa của các văn phòng đủ loại, nhưng tất cả đều vô ích. Cô em họ của Okudjava đã giúp tôi. Người phụ nữ kỳ diệu này, mà tôi chưa hề gặp, học cùng với phó chủ tịch Ban Nội vụ vùng Moskva. Ông ta cuối cùng ký giấy phép cho tôi đăng ký ở ngoại ô Moskva.

Trong thời xô-viết mọi việc được làm theo các mối quen biết. Tôi và Anh được đưa vào một nhà hộ sinh mới mở ở Moskva theo sự giới thiệu của những người quen của tôi, chẳng cần giấy tờ gì hết. Bác sĩ đỡ đẻ, là một nhà phẫu thuật nổi tiếng, không biết nàng là ai. Tôi nói rằng chúng tôi là tình nhân và muốn đánh lừa người chồng ghen tuông, Anh đã phản bội anh ta trong lúc anh này đi công tác dài ngày. Bảy tháng trước anh chồng nghỉ phép về Moskva, sau đó lại ra đi. Vì vậy chúng tôi cần một giấy chứng sinh rằng em bé được sinh ra mới bảy tháng tuổi.

Trên thực tế tờ giấy này là một bảo chứng để tránh những khiếu nại có thể từ phía Việt Nam. Anh làm thủ tục ly hôn sau khi có thai được hai tháng, và nếu muốn có thể công bố Vân là cha đứa bé. Hồi đó còn chưa biết đến các xét nghiệm ADN. Bác sĩ sản làm các thứ giấy tờ một cách vô tư. Ông ta bị Anh quyến rũ. Và tôi rất biết ơn ông ấy, có lẽ vậy.

Anh sinh con gái ngày 31 tháng Mười năm 1977, chúng tôi đặt tên cho bé là Elena để ghi nhớ Liên – bạn gái thân thiết của Anh, là con gái vị bộ trưởng tư pháp, người đã giúp đỡ chúng tôi rất nhiều, nói riêng trong việc quyết định đám cưới “chui”. Chúng tôi làm giấy khai sinh ngay cho cháu ở Troitsk, và chỉ sau đó mới xem là hoàn thành “chương trình minimum”4.

Trước cuộc sinh nở ít lâu Lê Duẩn đến Moskva. Ông không thể gặp Anh ngay. Điều này làm ông giận dữ. Con gái ở đâu? Thường thì các nhân viên Vụ Quốc tế BCH Trung ương (TƯ) ĐCSLX đưa Anh đến vào ngày cha cô đến nơi. Nhưng lần này họ không thể tìm thấy cô – không ở Kiev, nơi cô đến công tác chính thức, không ở Moskva. Người quản lý giải thích là cô ấy ở với Maslov đâu đó. Một tuần sau, khi Anh và con gái ra khỏi nhà hộ sinh, nàng ngay lập tức tự đi gặp Lê Duẩn để kể hết mọi chuyện. Tôi đã cố ngăn cản, nhưng nàng không nghe.

Anh gặp cha tại nhà khách của chính phủ trên Đồi Lenin. Lê Duẩn bắt đầu thuyết phục con gái trở về nhà để làm thủ tục ly dị với Vân, điều mà nàng đã yêu cầu trước kia. Nhưng nàng nói đã chia tay anh từ lâu và đã đi lấy chồng. Lê Duẩn đỏ mặt lên vì giận dữ và bắt đầu la hét, rằng cái dòng máu Trung Hoa tệ hại mà mẹ nàng truyền cho có lỗi trong mọi chuyện. Anh vô cùng phẫn nộ về chuyện này, nàng không chịu đựng được sự phân biệt chủng tộc. Nhưng nàng không ngăn cha lại, chỉ quay ra và bỏ đi.

Khi đã ở ngoài phố nàng đi đến bến xe công cộng, phía sau một chiếc “Vonga” đen chạy theo, cách một khoảng không xa. Anh bước gấp. Lái xe ngay lập tức nhấn ga. Nàng bỏ chạy – và “Vonga” tăng tốc. Không biết câu chuyện sẽ ra sao nếu Anh không kịp nhảy lên chiếc trolleybus vừa đi tới. Nàng về đến nhà nước mắt đầm đìa. Nàng kể đã hoảng sợ ra sao khi thấy chiếc xe bắt đầu đuổi theo mình:
– Em nghĩ họ sẽ bắt mình bây giờ!
– Em đã nói là cha em không làm việc này mà.
– Nhưng hôm nay em hiểu ra rằng ông đặt quyền lợi chung cao hơn quyền lợi riêng. Nghĩa là số phận em đã định.

Tôi an ủi nàng, còn nàng bật khóc và khẳng định: “Em sẽ chết! Sẽ chết!”

Hôm sau Anh gọi điện cho chị Muội. Chị ấy kể rằng cha rất đau khổ vì chuyện này, nên đã nổi đóa. Ông suốt đêm không ngủ được và muốn làm lành. Anh trả lời: “Tốt nhất hãy chúc mừng chúng em. Chúng em vừa sinh con gái”. Chị không tin, cho rằng Anh bịa ra chuyện này để cha thừa nhận cuộc hôn nhân của nàng. Hai chị em thỏa thuận sẽ gặp nhau tại nhà tôi và cùng đến gặp cha. Khi nhìn thấy Lena, Muội bật khóc và bảo Anh ở nhà. Tự chị ấy sẽ đi và kể mọi chuyện. Người cha đã bị chấn động khi biết tin về đứa cháu.

Lê Duẩn trong một thời gian dài không thể yên được với việc con gái ông đã không nghe lời, vi phạm luật lệ và lấy chồng nước ngoài. Ông gọi cho Suslov5, là người ông quen biết gần gũi, đề nghị giải thích giùm xem cái gì đã gắn bó Anh với tôi – sự say mê giây lát hay tình yêu thực sự. KGB sau đó đã xếp đặt một “chuyên gia tình yêu” theo dõi chúng tôi. Anh này bí mật đi vòng quanh đatra nơi chúng tôi đang sống, quan sát, nghe ngóng và buộc phải đưa ra kết luận: đó là tình yêu.

Người cha không tha thứ cho con gái. Người ta kể cho tôi rằng ở nhà Lê Duẩn đã cấm nói đến Anh, ngay cả đến tên cũng không được nhắc đến. Nhưng các món quà thời trẻ con của nàng vẫn nằm trên bàn viết của ông. Khi một món đồ nào bị mất, Lê Duẩn liền gây sự. Nghĩa là ông vẫn chưa hết yêu con gái …

Anh thay đổi rất nhiều sau khi sinh Lena. Trước đấy nàng là một người dũng cảm, độc lập, còn bây giờ lúc nào cũng run rẩy vì sợ hãi. Lúc nào cũng chờ đợi có người tấn công, bắt cóc, sợ những chiếc xe màu đen và những người đồng bào của mình. Nàng nói tốt nhất không gặp họ, họ sẽ lôi đến cuộc họp và kiểm điểm. Những người ruột thịt dè bỉu nàng, gọi nàng là đồ phản bội. Họ thường xuyên gọi điện và gửi đến những bức thư đầy giận dữ. Anh bị đè bẹp, cho rằng nàng sẽ bị trừng phạt vì tội lỗi đáng sợ mình gây ra.

Trước đây Anh không thích ngồi lắm trong căn phòng có các lỗ châu mai, còn bây giờ nàng suốt ngày ngồi lì trong đó với Lena, mỗi khi tôi có việc phải trở về Moskva. Nàng cầm theo mình khẩu súng săn của tôi. Anh nói căn phòng này là nơi an toàn nhất ở đatra. Nó không bị bắn từ hướng ngoài phố, nhưng nổ súng từ bên trong rất thuận tiện. Xem ra nàng đang nhớ lại tuổi trẻ du kích của mình.

Một lần nàng làm tôi sợ gần chết. Nàng đi trốn, cùng với Lena. Tôi trở về đatra, ở đó không thấy một ai. Tôi chút nữa thì lên cơn đau tim, nghĩ họ đã bắt hai mẹ con đi rồi. Nàng đi ra và phá lên cười.

Không biết từ đâu có cuộc nói chuyện với một anh lính trong đội xây dựng. Anh ta muốn bán cho tôi một khẩu súng lục dùng bắn các chốt vào bê-tông. Tôi hỏi, với khoảng cách nào. Anh lính tỏ ra quan tâm: “Ông muốn bắn từ xa à? Tôi có thể bán súng tự động, cả đạn nữa”. Tất nhiên tôi từ chối. Khi tôi vừa cười vừa kể lại cho Anh nghe, nàng bất ngờ nhận xét:
– Thì sao, lý ra phải mua.
– Em điên à? Có thể vào tù đấy.
– Nhưng em sẽ yên tâm hơn. Anh không hiểu chứ, cha có thể làm tất cả. Hôn nhân của chúng ta đã phá hủy uy tín của ông ấy trong đảng và các đối thủ của Lê Duẩn có lợi. Nếu ông ấy phải rời chức vụ, đất nước sẽ chết.
– Ông ấy yêu em và sẽ không phá hạnh phúc của em.
– Yêu, và em cũng rất yêu cha. Nhưng lợi ích quốc gia quan trọng hơn. Em luôn biết mình đi đâu. Khi chưa có Lena, em không sợ, còn bây giờ em thấy sợ lắm. Một mình anh không xoay sở nổi với con.

Chẳng bao lâu cô bé bị ốm, cần phải đi viện. Trước khi vào viện với con, Anh chuyển cho tôi bản tuyên bố chính thức: “Nếu người ta đem tôi đi, một mình hay cùng con gái, và đưa về Sứ quán Việt Nam, xin biết rằng đó là một hành động bạo lực, chống lại ý chí của tôi, cho dù những người thân hay sứ quán có nói gì. Tôi muốn sống với chồng tôi là Victor Maslov ở Liên Xô và muốn rằng ông sẽ là người nuôi dạy con gái chúng tôi và truyền dạy cho cháu văn hóa Nga”. Tôi đã cất tờ giấy vào nơi an toàn.

Phần lớn thời gian chúng tôi sống với nhau ở đatra và gần như không rời nhau. Tôi dạy ít hơn, cố gắng làm việc tại nhà. Hàng đêm, đôi lúc nhìn vợ ngủ tôi nghĩ: “Trời ơi, làm sao tôi được hạnh phúc thế này? Tôi đâu có xứng”. Tôi dường như cảm thấy thời gian dành cho chúng tôi thật ít …

Lúc đầu tôi sợ rằng Anh sẽ buồn nhớ gia đình và quê hương. Một lần bạn tôi, viện sỹ hàn lâm Mishenko hỏi nàng về điều đó. “Tôi buồn chỉ khi nhà có khách” – Anh trả lời với sự thẳng thắn vốn có của nàng. Nàng không thích hội hè ầm ĩ, các cuộc rượu phè phỡn. Tôi nhận thấy Anh khó chịu với sự vui sướng của những đám say rượu, cho dù nàng không thể hiện sự không hài lòng của mình, và dần dần bỏ rượu. Còn nàng nhìn chung không uống rượu.

Sống với Anh tôi đã thay đổi, trẻ ra có lẽ đến mười lăm tuổi. Chưa bao giờ tôi làm việc hiệu quả đến như vậy. Chúng tôi hầu như không đi đâu (nhân viên Vụ Quốc tế của BCH TƯ ĐCS LX không khuyên chúng tôi xuất hiện ở những chỗ công cộng), nhưng chúng tôi không cảm thấy mình bị xa cách. Các bạn và chị gái vẫn đến thăm Anh. Nàng cũng vào Moskva, đến trường đại học, kết thúc NCS một cách khôn khéo. Anh có năng lực làm việc hơn tôi nhiều, và có lẽ sẽ làm khoa học nếu mọi việc đã không diễn ra khác đi. Nàng đã kịp bảo vệ luận án và trở thành PTS khoa học toán – lý.

Tôi còn nhớ có một lần đi nghe Vưsotsky6 biểu diễn tại trường MIEM. Chúng tôi ngồi khá xa ở hàng sau, nhưng sau khi biểu diễn nghệ sỹ lập tức đến gặp Anh. Anh ấy đã chú ý đến nàng khi đang hát, và luôn ngoái nhìn nàng. Anh ngạc nhiên, nghĩ rằng nghệ sỹ nhầm nàng với ai đó. Còn Vưsotsky thì sôi nổi khen ngợi, đề nghị tiếp tục gặp gỡ với nàng, nói chung cư xử cứ như không có tôi ngồi cạnh. Tôi cố gắng kéo anh ngồi xuống. Khi anh hỏi Anh có hiểu hết anh hát gì không, tôi đã trả lời thay:
– Này, có chồng cô ấy đây kia mà. Tôi có thể giải thích. Nói chung chúng ta gần như là hàng xóm với nhau ở đatra mà. Anh ghé chơi nhé, chúng tôi rất vui được đón.
– Tôi ở ngoài đó không thường xuyên – Vưsotsky chợt buồn – đấy là Maria thích đatra, tôi thì không thích lắm. Với lại không có thì giờ.

Cuộc gặp gỡ của chúng tôi với Vưsotsky xảy ra trước khi anh ấy mất không lâu. Anh ấy trông mệt mỏi và không được khỏe. Nhưng cố tỏ ra trẻ trung trước người đẹp Việt Nam. Nàng không hiểu lý do sự chú ý của anh. Khi rời buổi biểu diễn, nàng hỏi:
– Anh ấy muốn gì thế?
– Anh ấy thích em – tôi trả lời. – Nhìn thấy người đẹp và xù lông xù cánh!

Tôi tự hào vì Vưsotski để ý đến Anh. Tôi thấy thật dễ chịu khi thấy những ánh nhìn thán phục hướng về phía nàng. Nàng không thích lôi kéo sự chú ý, nhưng có thể làm việc đó một cách rất hiệu quả. Nàng biết ăn mặc, tiếp khách. Đôi lúc tôi cảm thấy tiếc rằng đã không thể cho nàng những điều nàng xứng đáng được hưởng. Trước khi đến Liên Xô Anh đã sống một cuộc sống hoàn toàn khác, nàng thường đi cùng cha ra nước ngoài, ở đó họ được đón tiếp ở cấp cao nhất.

Và ngay ở Việt Nam, chỗ Lê Duẩn cũng có nơi ở rộng lớn với bao nhiêu người phục vụ. Nhưng Anh không than phiền và, theo tôi, không đau khổ vì thiếu đi những tiện nghi quen thuộc, nàng tự thu dọn, tự nấu ăn. Tôi vẫn dùng một cái máy giặt ZVM do nhà máy mang tên Vladimir Ilich sản xuất. Nó ồn khủng khiếp và thường xuyên chảy nước, có đến cả chục lần chúng tôi làm ướt nhà hàng xóm tại căn hộ Moskva. Khi có đứa con gái thứ hai Anh phải xoay xở vất vả hơn, chúng tôi đã thuê một người giúp việc nhà và bảo mẫu.

Ba mươi tuổi, mẹ của hai đứa trẻ, Anh trông như gái mười tám. Một lần tôi chịu đựng một cơn ghen vô cớ. Chúng tôi đứng xếp hàng trong cửa hiệu. Trước mặt chúng tôi là một chàng trai trẻ khá cao. Một trang nam tử. Liếc nhìn anh ta, tôi cảm thấy nhói trong tim: Anh bây giờ sẽ nhìn anh ta, so sánh với tôi, và rút ra kết luận … Nhưng nàng không mảy may để ý đến chàng đẹp trai. Lúc ra ngoài phố, tôi hỏi:
– Em có thấy anh chàng đẹp trai đứng trước chúng mình không? Đúng là một Alain Delon.
– Thế ư? – Anh ngạc nhiên. – Em không để ý.

Muội nói với nàng:
– Sao em lại lấy Maslov? Ông ấy già rồi! Xem kìa, xung quanh bao nhiêu là đàn ông trẻ trung thú vị!
– Với em chẳng có ai khác tồn tại cả. – Anh trả lời.

Tatiana, con gái thứ hai của chúng tôi, sinh vào năm 1979. Sau lần này quan hệ của Anh với cha mẹ tốt lên. Có vẻ họ đã hiểu rằng mọi việc đối với con gái họ rất nghiêm túc, và ngừng các cuộc tấn công. Thậm chí họ còn xin Anh tha thứ, tất cả, trừ người cha. Mẹ nàng, bà Bảy Vân, đến Moskva và vẫn đến thăm chúng tôi – cả ở đatra, cả ở căn hộ Moskva trên phố Dmitri Ulianov.

Nhờ mối tình của chúng tôi đã xảy ra những thay đổi quan trọng không chỉ trong cuộc sống của gia đình Lê Duẩn, mà còn trong cả nước. Ở Việt Nam đã thông qua luật cho phép kết hôn với người nước ngoài. Một bạn gái, người đã yêu một chàng trai Đông Đức, ngay lập tức gọi điện cho Anh: “Mày thật đúng là anh hùng! Hàng nghìn người sẽ cầu nguyện cho mày! Lạy trời cho mày được hạnh phúc!”

***

Sau khi hòa giải với gia đình Anh quyết định giới thiệu với cha cháu gái lớn. Khi Lê Duẩn đến Moskva lần sau đó, nàng đem theo Lena đến gặp ông. Ông ngay lập tức yêu mến cháu. Ông đề nghị để Anh và cháu ở lại cùng ông cho đến khi ông về nước. Lúc đầu cháu bé còn lạ, nhưng dần dần quyến luyến với ông ngoại. Ông chủ ý dấu tất cả chuối trong nhà để tự mình đãi Lena – mong chiếm được cảm tình của đứa cháu.

Lê Duẩn luôn yêu cầu đưa Lena đến gặp ông mỗi lần đến Moskva. Còn gặp tôi thì dứt khoát không muốn. Còn nhớ tôi đưa Anh và con gái đến thăm mẹ vợ ở cái đatra cũ của Khrusov ở Rublebka và phải đợi trong xe, trong khi các cháu đang ở bên ông. Lê Duẩn đưa Lena và Anh đi xem xiếc rồi đưa họ đi theo dự lễ khai mạc Olympic Moskva. Con bé lên cơn đỏng đảnh đúng lúc long trọng nhất, kêu to: “Mẹ ơi, con muốn đi đái!”

Lần khác, trong lúc ăn trưa ngồi cạnh Lê Duẩn, đúng lúc đang nói chuyện về bắt đầu chiến tranh chống chế độ Khmer đỏ ở Campuchia, Lena bỗng nhiên hỏi: “Ông ơi, thế ông không làm gãy răng mình chứ?”

Không biết có sự liên tưởng nào xuất hiện trong đầu con bé, để đúng lúc nói chuyện gay cấn nhất lại hỏi như vậy? Ở nhà chúng tôi cũng trao đổi về cuộc chiến tranh với chế độ Polpot – Ieng Sari. Có thể Lena nhớ lại câu mà tôi đã nói khi nào đó? Anh có ý nghĩ khá tốt về Ieng Sary, nhân vật thứ hai của chế độ ở Campuchia. Có thể trong cuộc nói chuyện ở buổi tiếp khách Việt Nam đó đã vang lên cái tên này, và gợi lại sự liên tưởng nơi con bé? Người phiên dịch hiểu câu hỏi theo nghĩa bóng, lờ đi, nhưng cố gắng truyền đạt tối đa ý nghĩa của câu hỏi. Lê Duẩn không hề bối rối. Ông cắn chặt hàm răng chắc khỏe của mình và nhe ra với Lena. Tình huống được giải tỏa.

Anh cũng rất trực tính và tiết lộ các “bí mật” xô-viết cho cha một cách đơn giản. Hơn nữa, ông ấy cũng biết cách để hỏi. Một hôm người cha nói rằng theo lời Brejnev đất nước vừa thu hoạch một vụ bông kỷ lục. “Vậy mà vải trải giường nhà con thủng hết rồi”, Anh nhận xét. Ngay ngày hôm sau cán bộ phân ban Việt Nam trong Ban quốc tế của BCH TƯ ĐCSLX dẫn Anh đến gian hàng số 200 nổi tiếng của GUM, nơi chỉ bán cho các khách hàng chọn lọc. Thế là chúng tôi có đồ trải giường mới.

Anh không muốn lợi dụng sự ưu đãi, nhưng dù sao vẫn mua đồ ở gian hàng cấm này của GUM, và tôi thường nhận được các đơn hàng mà nàng đặt. Nàng không nhận của cha dù một xu nhỏ, ngay cả khi học ở MGU. Chính quyền chúng ta đề nghị cấp cho nàng một căn hộ rộng rãi ngay trung tâm Moskva, nhưng nàng từ chối. Chỉ nhận một căn hộ ba phòng bình thường trong một tòa nhà lắp ghép ở Beliaevo. Để phòng khi nhỡ có việc chúng tôi đột ngột phải chia tay, thì vẫn có chỗ ở và làm việc.

Nhưng chúng tôi sống hòa thuận cùng nhau. Trong suốt thời gian chung sống chỉ cãi nhau vài lần, đấy là Anh cho rằng thế. Lần đầu tiên là khi Anh giận dữ vì tôi chở trên xe hai cô gái, cho dù trong xóm chúng tôi ở việc cho đi nhờ vẫn hay xảy ra. Nhưng Anh lại tức giận.

Lần thứ hai thì xảy ra một chuyện nói chung là ngớ ngẩn. Buổi chiều tôi nghe “đài địch”. Anh ngồi cùng tôi, nhưng nàng không hiểu tiếng Anh, do vậy nhanh chóng đứng dậy và đi vào phòng trẻ con. Tôi nghĩ lũ trẻ đã đi ngủ, và khép cửa thật chặt để khỏi đánh thức chúng. Sau đó tôi cũng thiếp đi. Anh ra khỏi phòng trẻ, kéo cửa, nhưng không mở được. Nàng cho rằng tôi không muốn gặp nàng, lấy làm khó chịu và sáng hôm sau bỏ đi đến nhà chị Muội. Đến chiều Anh trở về, và chúng tôi làm lành. Nàng không thể sống trong tình trạng xung đột với tôi.

Mẹ nàng, bà Bảy Vân, cố gắng làm cho con gái chống lại tôi, có lần nói ra sự không hài lòng với việc chúng tôi sống tằn tiện. Anh giải thích cho mẹ: “Bao nhiêu tiền anh ấy gần như dành cho đatra. Luôn cứ phải mua hay sửa cái gì đó. Con không thể từ chối anh ấy trong chuyện này. Những người đàn ông khác họ uống rượu hết tiền, còn anh ấy thì xây dựng”.

Anh dành lấy việc chăm sóc cho mẹ tôi, khi bà bị đột quỵ, và nàng rất biết cách chăm sóc. Có lẽ nàng đã từng làm y tá trong thời gian chiến tranh. Mùa thu năm 1980 Anh lại mang thai, tôi vốn mong có một gia đình lớn. Vào tháng năm năm 1981 mẹ tôi khá hơn, người ta cho bà ra viện. Chúng tôi chuyển ra đatra. Tôi thuê một cô y tá, cô ấy ngủ bên cạnh người ốm và giúp bà đi lại và nói năng. Trẻ con thì có bảo mẫu, được đưa từ Việt Nam sang theo yêu cầu của Anh, để lũ trẻ có thể nói chuyện với chị bằng tiếng mẹ đẻ. Lê Duẩn chuyển cho nàng một món quà – một con đồi mồi. Anh rất hoảng hốt khi nhìn thấy món quà cha tặng:
– Đồi mồi này người ta tặng cả đôi. Đây là biểu tượng của tình yêu và cuộc sống gia đình hạnh phúc. Một con đồi mồi – đây là điềm xấu. Làm sao mà cha lại không nghĩ đến điều ấy.
– Ông ấy không cần nghĩ đến những thứ ngu ngốc ấy. Cha em là người cộng sản.
– Vâng nhưng ông tôn trọng truyền thống và biết rằng đây là dấu hiệu của cái chết. Đã xảy ra chuyện gì rồi …

Kết quả siêu âm cho biết lần này chúng tôi sẽ có con trai. Anh cảm thấy người không khỏe, tôi đặt trước chỗ cho nàng ở nhà hộ sinh “Kremlin” của Cục 4 trên phố Vesnina. Anh đã sinh Tania ở đó và nói chung thấy hài lòng chỗ này. Hồi ấy Anh có phòng bệnh riêng, có TV và điện thoại, nàng có thể bình tĩnh viết báo khoa học. Bác sĩ hồi ấy đã sửng sốt: “Một phụ nữ tuyệt làm sao! Nằm nhà hộ sinh còn làm khoa học!”

Nhưng nàng không muốn nằm tại bệnh viện này, sợ hãi điều gì đó. Một lần nàng nói sẽ chết khi sinh nở:
– Ở Việt Nam sắp có bầu cử. Để bầu cha em, họ sẽ làm tất cả.
– “Họ” là ai?
– Là những người luôn can thiệp vào tình yêu của chúng ta.

Tôi không tin vào linh cảm, cho rằng đó là những lo lắng của các phụ nữ mang thai.

Đêm mùng sáu sang ngày mùng bảy tháng sáu Anh bắt đầu đau. Để an tâm tôi gọi liền hai xe cấp cứu, từ Troitsk và từ Moskva – phòng khi bỗng nhiên có việc gì trục trặc. Xe từ Troitsk lao đến trước, nhưng nó chỉ chở được Anh đến Podolsk. Tôi đề nghị họ chở nàng vào Moskva, đến nhà hộ sinh số 25, gần nhà chúng tôi trên phố Dmitri Ulianov. Khi đến nơi mới rõ ra một nửa tòa nhà đang phải sửa chữa.

Người trực nhận giấy tờ của Anh, nhìn thấy nàng đăng ký ở Cục 4, liền gọi ngay xe cấp cứu từ đó. Vậy là người ta vẫn chở Anh đến phố Vesnina. Ở đấy, các bác sĩ lập tức khám và nói, tất cả đều ổn, quá trình sinh nở bình thường. Tôi chuẩn bị ngồi chờ ở phòng tiếp nhận thì sực nhớ mẹ tôi hầu như đang ở ngoài đatra có một mình. Cô y tá chúng tôi đã cho nghỉ hè, còn chị bảo mẫu người Việt không nói được tiếng Nga. Tôi liền lao về đó. Tại đatra mọi việc đều bình thường, nhưng mẹ nói rằng xe cấp cứu từ Moskva không tới. Thật lạ lùng.

Vào 7 giờ sáng Anh sinh bé trai. Người ta gọi điện cho tôi từ nhà hộ sinh thông báo điều đó, tôi hỏi tình trạng của người mẹ ra sao, đầu dây bên kia im lặng. Sau một khoảng im lặng dài, họ đề nghị tôi tới và nói chuyện với bác sĩ. Ở Moskva tôi được biết rằng Anh bị chảy máu rất nhiều, chưa cầm được. “Chúng tôi làm tất cả những gì có thể – Bác sĩ nói – Sắp tới họ sẽ chuyển máu tới. Ông tốt nhất nên quay về nhà. Đợi ở đây là vô nghĩa”.

Tôi chạy đến các bác sĩ quen để hỏi ý kiến. Họ không vui, nói rằng trong những trường hợp như vậy phải lập tức cắt bỏ tử cung. Nhưng các bác sĩ Kremlin có lẽ sợ lãnh về mình trách nhiệm đó, bệnh nhân không phải nhân vật bình thường.

Tôi quay trở về nhà hộ sinh. Lúc ấy người ta đã phẫu thuật cho Anh. Bác sĩ phẫu thuật chính của Cục 4 được mời đến xử lý cho nàng. Khi ông vừa ra khỏi phòng mổ, tôi lao đến:
– Cô ấy sẽ không chết?
– Cơ thể trẻ trung. Chúng ta hi vọng vào điều tốt nhất …

Vài tiếng sau đó Anh qua đời. Người ta cho phép tôi vào phòng bệnh. Anh nằm trên giường, phủ tấm ra – trông nàng xinh đẹp làm sao, như đang ngủ. Một cục gì chẹn lấy cuống họng tôi, tôi quỳ xuống hôn tay người tôi yêu dấu. Tấm ra phủ di chuyển, hé lộ thân thể vợ tôi, phủ đầy các vết xanh – đỏ. Tôi kêu lên vì sợ hãi. Mọi người chạy đến bên, đỡ lấy tôi và đưa ra hành lang …

Lần cuối cùng tôi nhìn thấy Anh là ở chỗ hỏa táng – mười ngày sau đó. Quyết định hỏa táng không phải do tôi đưa ra. Nói chung không ai hỏi ý kiến tôi muốn an táng vợ mình ra sao. Tại sao phải đợi lâu thế vẫn mãi là câu hỏi. Có thể Lê Duẩn đã bí mật đến Moskva. Tôi không gặp ông, còn bà mẹ thì bay sang ngay. Tro cốt của Anh được đưa về Việt Nam, bình tro được giữ ở nhà bà Bảy Vân, trong một căn phòng riêng.

Sau cái chết của Anh các cháu được bà cụ mẹ của Bulat, bà Askhen Stepanova yêu quý, đã rất già yếu chăm sóc. Bà cụ ở lại cùng chúng tôi ba tuần. Còn tôi trong thời gian đầu rơi vào một trạng thái quên lãng, mù mờ sao đó. Trí nhớ của tôi từ chối tin vào những gì vừa xẩy ra. Một lần tôi tỉnh dậy giữa đêm trong hoảng hốt. Trái tim bóp nghẹt trong lồng ngực. Trong mơ tôi thấy lóe lên một luồng sáng: người ta đã đầu độc Anh. Tôi chia sẻ phỏng đoán với các bác sĩ. Họ không loại trừ khả năng ấy, nhưng cho rằng các vết xanh-đỏ trên da có thể xuất hiện trong trường hợp chảy máu nghiêm trọng. Sau đó nhiều năm, khi nằm điều trị tim tại một bệnh viện tim mạch tôi quan sát thấy người ta đã tiêm geparin cho các bênh nhân để làm loãng máu, và trên người họ cũng xuất hiện những vết đúng như thế. Đã xuất hiện thêm một phương án khả tín theo quan điểm của tôi: việc chảy máu là do tác động cố ý, bằng cách tiêm thứ thuốc đó. Không phải tự nhiên Anh đã linh cảm thấy tai họa. Và máu đã chảy cạn …

Trong đám tang bà mẹ đau khổ đến mất trí. Bà ấy nói rằng cha của Anh đã giết con và muốn giúp đỡ tôi – đưa bọn trẻ về Việt Nam. “Không đời nào!” – tôi trả lời. Tôi biếu bà chuỗi hạt đã từng giữ hơi ấm cơ thể của Anh. Bà ấy nhận nó, để sau này sẽ trao cho vợ của cháu trai, khi nó lớn lên và cưới vợ.

Tôi che dấu cái chết của Anh không nói cho những người thân biết. Mẹ tôi rất đau ốm, còn các cháu gái thì quá bé. Mẹ tôi có lẽ cảm thấy điều gì đó, bà bị đột quỵ lần hai, và lần này thì điều trị không khá lên được. Tôi nói với Lena là Anh ở trong bệnh viện, và sau đó – rằng mẹ đã đi có việc, nhưng con bé cũng hiểu hết. Một lần nó kéo tôi ra bên và thì thầm hỏi tôi: “Bố ơi, người ta chôn mẹ rồi phải không?”. Lena luôn than thở về nỗi buồn vắng mẹ, nó khóc: “Bố, hãy đi Việt Nam, mua mẹ cho con!”

Bảy Vân quyết định ở lại Moskva ít lâu. Bà ấy yêu cầu dẫn Tania đến thăm, nói rằng sẽ đưa trả con bé và cô bảo mẫu về nhà vào hôm sau. Nhưng đã không cho về. Hai ngày liền tôi gọi cho mẹ vợ, nhưng người ta không gọi bà ấy nghe điện, viện cớ có công việc quốc gia quan trọng nào đó. Ban đầu tôi không cảm thấy lo lắng đặc biệt, nhưng sau đó hiểu ra rằng bà đang cố thực hiện ý định của mình – lấy lũ trẻ khỏi tay tôi. Tôi tìm được địa chỉ của bà với không ít khó khăn, đem theo một đồng nghiệp biết tiếng Pháp để hỗ trợ và làm phiên dịch, lên đường đòi lại con gái. Bảy Vân không muốn trả lại Tania, ngay cả khi tôi nói rằng mẹ tôi sắp mất và bà cụ muốn vĩnh biệt cháu gái. Tôi buộc phải hứa rằng bà cháu sẽ gặp lại nhau trong lúc chuẩn bị cho tang lễ.

Mẹ tôi mất ngay ngày hôm sau. Mẹ vợ chạy đến ngay: “Các cháu sẽ ở với tôi!”. Tôi phải giải thích rằng các cháu còn đang ốm. Tania thực sự đang bị sốt. Bảy Vân đề nghị thu xếp chữa cho cháu tại căn hộ của mình, nhưng tôi không đồng ý.

Tôi biết rằng bà ta sẽ lại xuất hiện ở đatra vào ngày cử hành tang lễ, lúc tôi không ở nhà, do vậy đã gửi Lena đến chỗ người quen, còn Tania tôi khóa cùng với người cháu của tôi trong căn phòng có các lỗ châu mai, và dặn không được mở cửa cho bất cứ ai, đặc biệt cho bà ngoại nó. Bà bảo mẫu được dặn phải nói là cả hai cháu đang ở nhà các bạn của tôi. Ngay khi tôi vừa rời đến chỗ hỏa táng, Bảy Vân đã xuất hiện ở đatra. Không tìm thấy lũ trẻ, bà ta ra về trong sự tức giận khủng khiếp.

Với đứa con trai, tôi đặt tên nó là Anton, tình hình phức tạp hơn nhiều. Ở nhà hộ sinh họ không trao cháu cho tôi. Họ thông báo rằng do tình trạng sức khỏe của cháu bé, cháu cần ở lại bệnh viện để các bác sĩ chăm sóc. Tôi chỉ làm được giấy chứng sinh cho cháu, và lập tức tiến hành các biện pháp. Tại bệnh viện của BCH TƯ, nơi cháu được chuyển đến từ nhà hộ sinh, cháu đã nhập viện với tên là Anton Maslov: các bạn của tôi đã giám sát tại lối vào bệnh viện để cháu được đăng ký đúng như đã định. Đây là một thắng lợi, không lớn nhưng dầu sao cũng là thắng lợi. Bây giờ đưa con trai tôi ra khỏi biên giới sẽ khó khăn hơn nhiều.

Họ cho phép tôi vào bệnh viện, đi dạo cùng con trai, nhưng bên cạnh luôn có người của BCH TƯ. Một thời gian tôi đã muốn lấy cắp Anton và dấu cháu trong gia đình chị bạn người Triều Tiên, giả như đó là con của chị. Còn tôi sẽ đưa về nhà một cháu bé có bề ngoài đông phương khác trong trường hợp Lê Duẩn quyết định đưa cháu trai ra mà không có sự đồng ý của tôi. Nghĩ ra đủ phương án, nhưng không thực hiện được. Và lạy Chúa – tôi sợ trò phiêu lưu này sẽ làm tôi nguy đến tính mạng.

Cán bộ từ BCH TƯ, người đảm nhận liên lạc giữa tôi và gia đình Anh, đề xuất một giải pháp thỏa hiệp – tôi giữ các cháu gái cho mình, còn trao đứa cháu trai cho ông nó: “Cứ để nó sống ở Việt Nam vài năm, khi cháu lớn lên, họ sẽ trả cháu về. Ông lúc nào cũng có thể đến thăm người thân của vợ và gặp Anton”. Cuộc bầu cử mà Anh lo sợ đang sắp diễn ra. Xem ra nhóm thân Trung Quốc loan tin rằng không nên tin tưởng vào Lê Duẩn. Ông ấy không thể theo đường lối độc lập nếu cháu trai ông ấy đang bị Kremli giữ làm con tin. Trong cơn sóng gió trước bầu cử người của ta có thể bắt đi tất cả các đứa con của tôi, chỉ để giúp Lê Duẩn còn giữ được quyền lực. Tôi hứa sẽ suy nghĩ, cố kéo dài thời gian. Nhưng áp lực ngày một gia tăng. Họ đe dọa tôi bằng những điều bất tiện trong công tác. Người cán bộ nói anh ta đã biết “phương án Triều Tiên” – tức phương án bắt cóc con trai tôi với sự giúp đỡ của chị bạn người Triều Tiên. Tình thế trở nên nghiêm trọng. Bà ngoại Bảy Vân một lần đã nói thẳng: “Không muốn tốt – cũng chẳng cần”.

Chống đối tiếp tục đã thành vô nghĩa, và tôi quyết định phải có sự đảm bảo – soạn một tuyên bố chính thức về việc cho phép đưa con đi trong hai năm. Ở sân bay tôi đã khôn khéo lấy hộ chiếu của Anton từ nhân viên an ninh cửa khẩu, chụp ảnh tất cả các trang và đút trả lại. Bạn của tôi chụp ảnh ghi lại cuộc ra đi của thằng bé. Vào đúng ngày hôm ấy Lê Duẩn đến Moskva. Ông đã gặp Brejnev. Vì cuộc hội kiến này (có vẻ rất quan trọng) nên mới có sự vội vã như vậy.

Chẳng bao lâu tôi lăn ra ốm. Ban đầu là viêm phổi, sau đó phát hiện có một khối u. Nghi ngờ đến khả năng xấu nhất, nhưng rồi mọi việc cũng qua – khối u hóa ra lành tính. Tôi nằm viện khá lâu, Muội có đến thăm tôi. Chị chắc có nói chuyện với bác sĩ, biết về các chẩn đoán của tôi và kể cho những người thân biết. Những người này lập tức chạy vạy – nhờ cậy những người bạn xô viết nhờ nhận lại các cháu gái từ người cha “đang sắp chết”.

Nghĩ lại thấy thật đáng sợ, không biết chuyện gì sẽ xảy ra nếu nếu tôi không xuất viện đúng một ngày trước khi các thanh tra về công việc với vị thành niên đến nhà tôi. Một bà trong sắc phục đại úy cảnh sát đến nhà với yêu cầu chính thức từ Ủy ban vùng – xem xét khả năng xác nhận đưa Elena và Tatiana Maslovye vào cơ sở nuôi dạy trẻ. Tôi không thể nói với bà ta toàn bộ sự thật, nhưng cho bà ta hiểu rằng trong câu chuyện này mọi việc không đơn giản, khuyên bà ta đừng vội vã.

***

Sau hai năm người ta vẫn không đưa Anton trở lại. Tối đấu tranh thêm hai năm nữa để họ cuối cùng đưa cháu trở lại Moskva. Tôi yêu cầu việc này với tất cả người thân của Anh. Cuối cùng Thành, em trai nàng bay sang Moskva. Chúng tôi gặp nhau và đã tìm được tiếng nói chung. Thành nói chuyện với Lê Duẩn, và ông ta quyết định đưa cháu trai về với cha nó và các chị. Nhưng con trai tôi trở về đã không phải với tên là Anton Maslov, mà là công dân Việt Nam Nguyễn An Hoàn và hộ chiếu VIệt Nam. Lê Duẩn không có ý định trao cháu cho tôi. Ngược lại – ông hy vọng sẽ mang luôn cả các cháu gái về.

Con trai không nói được tiếng Nga, nó lạ tôi và không rời bà bảo mẫu người Việt đã nuôi cháu từ trứng nước. Ở Việt Nam Anton thực sự là hoàng tử: nó được ở cả một tầng nhà.

Tôi hi vọng sẽ thu xếp được với con trai, nhưng người bà Việt Nam bay sang, sau khi quyết định đi nghỉ tại Krưm tuyên bố rằng ở Moskva không tốt cho thằng bé. Sau kỳ nghỉ bà ta sẽ đưa cháu trở lại Việt Nam, còn tạm thời cần đưa cháu vào một nhà trẻ tốt trong suốt mùa hè. Bà ta sẽ cho phép tôi và các cháu gái tới đó. Trong cuộc nói chuyện của chúng tôi có mặt một cán bộ khá cao cấp của Ban quốc tế BCH TƯ, làm nhiệm vụ phiên dịch. Ông đã thấy tôi giận dữ như thế nào, và khuyên tôi đừng nổi cáu, cố gắng đạt được thỏa thuận với người bà quyền lực. Bắt cóc Anton thật vô nghĩa: cháu là công dân Việt Nam và họ sẽ ngay lập tức đưa cháu đi khỏi nhà tôi.

Nhưng tôi không có ý định đầu hàng. Bây giờ đã là thời khác, lãnh đạo đất nước Liên Xô không còn là Brejnev, mà là Gorbachev. Hơn nữa sau những năm tháng ấy tôi đã kịp trở thành Viện sỹ hàn lâm và được trao Giải thưởng Lenin. Tôi viết đơn yêu cầu trả lại con trai và đi khắp các cửa, còn thiếu đâu nữa: Bộ Nội vụ, Bộ Ngoại giao, BCH TƯ ĐCS LX. Khắp nơi người ta thông cảm với tôi, nhưng giúp đỡ thì đều từ chối. Họ nói rằng việc đó ngoài khả năng của mình. Một lần tôi chia sẻ với một chị bạn tốt – thư ký của Chủ tịch Viện Hàn lâm khoa học. Chị ấy khuyên tôi nên cầu cứu Anatolia Gromưco – con trai Chủ tịch Xô viết tối cao Liên Xô Andrei Andreievich Gromưco, một người thân cận với Gorbachev, và chị ấy sẽ giúp thu xếp cuộc gặp này.

Gromưco-con là giám đốc Viện Phi châu thuộc Viện HL KH LX. Tôi kể cho anh nghe về câu chuyện của tôi và Anh, đưa cho anh xem các bức ảnh chụp cùng vợ con. Anatolia Andreevich tỏ ra cảm động. Anh nói: “Anh hãy viết đơn gửi cho chính Gorbachev. Tôi hứa rằng ông ấy sẽ nhận được và sẽ đọc. Nhớ kèm theo cả những bức ảnh, đặc biệt bức chụp cùng bọn trẻ này. Nó mạnh hơn bất kỳ bức thư nào”. Tôi làm theo những gì anh chỉ dẫn, và cùng với các bức ảnh tôi còn để cả bản tuyên bố của Anh viết năm 1978. Vài hôm sau không chờ đươc, tôi gọi điện cho Gromưco. Anh nói: “Họ đã biết quan điểm của anh”. Tất cả chỉ có thế. Tôi không biết sẽ phải nghĩ gì và hành động ra sao.

Để bà ngoại yên tâm, tôi thu xếp gửi Anton vào nhà trẻ của Cục bốn, khá xa đatra của tôi. Tôi thỏa thuận với bà giám đốc rằng bà không được giao đứa bé cho ai, trừ tôi. Những người bảo vệ hứa sẽ gọi điện nếu thấy xuất hiện những “kẻ đột nhập” vào khu vực nhà trẻ. Tôi dúi cho họ 4 chai vodka Smirnov, hồi đó chỉ bán theo giấy của nhà thờ, và họ nóng lòng chờ sự xuất hiện của “kẻ đột nhập Việt Nam”. Chẳng bao lâu sau kẻ đột nhập xuất hiện thật. Bảy Vân nhận được sự từ chối thẳng thừng và buộc phải rút lui. Nhưng giám đốc nhà trẻ nài nỉ tôi phải đưa Anton đi: “Tôi sẽ không chịu đựng được cuộc tấn công sau đâu. Anh không tưởng tượng được là chúng tôi đã căng thẳng đến thế nào”.

Tôi nói chuyên với bạn bè, và họ tìm được cho chúng tôi một ngôi nhà ở Belorussia – ở tít tận xó rừng sâu Belovejskaia Pusia. Trong vòng bán kính 5 km quanh đó không một bóng người. Chúng tôi ở đó chừng vài tháng – Lena, Tania, Anton, bà bảo mẫu của chúng, và tôi. Pusia quả thật là một chốn thiên đường. Bọn trẻ đến giờ còn nhớ khu rừng nguyên thủy, những bãi cỏ đầy nấm và quả rừng, có thể sờ tay vào lũ thú rừng và chim chóc. Lũ hươu kéo đến tận nhà, làm bà bảo mẫu sợ chết khiếp. Đàn bò rừng nhởn nhơ đi lại đằng xa. Anton trở thành một đứa trẻ khác hẳn ở Belorussia, chơi với các chị và bắt đầu nói một ít tiếng Nga.

Tôi không nhận được tin tức gì từ Moskva, nhưng hi vọng vào những điều tốt. Tôi nghĩ rằng Gorbachev không muốn có một Sakharov – viện sĩ – nhà bất đồng chính kiến thứ hai. Để giành lại các con, tôi sẵn sàng làm tất cả, kể cả một scandal quốc tế. Mấy tháng trôi qua tôi biết được từ một người bạn Việt Nam, gần gũi với gia đình của Anh, rằng Lê Duẩn đã từ bỏ ý định bắt cháu về. Ông nói: “Nếu cha chúng nó yêu chúng như vậy, thì cứ để chúng sống với anh ta”. Có vẻ hai nước đã đi đến một nhận thức chung về chuyện này, Gorbachev và Lê Duẩn đã thỏa thuận để gia đình chúng tôi được yên. Sự đau khổ của tôi kết thúc. Mấy năm sau Lê Duẩn từ trần.

***

Vào cuối những năm 80 – 90 tôi có dịp đi khắp thế giới. Với tư cách là giáo sư mời tôi đã giảng bài ở Mỹ, Anh, Pháp. Đất nước tôi hồi đó ở trong giai đoạn không dễ dàng gì. Khoa học thoi thóp, các nhà bác học được trả lương bằng xu, mà trong tay tôi – ba đứa trẻ. Cần phải kiếm tiền bằng cách nào đó. Nhưng tôi chưa bao giờ nghĩ sẽ ở lại sống ở nước ngoài. Bọn trẻ luôn đi cùng với tôi, cũng như người vợ sau Irina. Chúng tôi cưới nhau năm 1991. Tôi quen Ira đã lâu, từ khi Anh còn sống. Cô ấy cùng tuổi với Anh. Ira là nhà ngôn ngữ, phó tiến sỹ khoa học. Sau khi Anh mất, giống như nhiều bạn bè và người thân của tôi, cô ấy đã giúp tôi trông nom bọn trẻ. Đối với tôi mối quan hệ của cô với chúng cũng quan trọng không kém tình cảm giữa chúng tôi. Ira là một phụ nữ đáng kinh ngạc. Sau khi cưới, cô ấy quyết định không sinh thêm một đứa con nữa, đứa con chung của chúng tôi, để không phải làm dì ghẻ, mà hoàn toàn thay Anh làm mẹ của Lena, Tania và Anton.

Các con tôi hiện sống ở nước ngoài, dù khi còn trẻ không dự định việc này và chúng đều vào học tại MGU mà không phải một trường đại học tây phương nào đó. Nhưng về sau những dòng người có vẻ ngoài châu Á tràn vào Moskva. Và bắt đầu nảy sinh các vấn đề. Thí dụ đã xảy ra một chuyện không dễ chịu với Tania ở đatra. Một nhân viên cảnh sát, đến vì một chuyện hoàn toàn khác, tình cờ nhìn thấy cháu và cho rằng đấy là một người di cư bất hợp pháp từ Trung Á, và suýt nữa tôi bị cáo buộc vào tội “che dấu”.

Những tình huống như vậy khá nhiều, và không hề dễ chịu. Chúng tôi họp gia đình và quyết định rằng sẽ tốt hơn nếu đưa lũ trẻ sang châu Âu, ở đó đã quen với việc có nhiều sắc tộc. Kết quả là Tania và Anton sang sống ở Anh, còn chị cả Lena – ở Hà Lan. Cháu lấy chồng là người Hà Lan xuất thân từ một gia đình quý tộc tỉnh lẻ lâu đời. Chồng cháu là một người làm phân tích nghiệp vụ và có thời gian là khách hàng của một hãng máy tính của Anh, nơi Lena làm việc. Mối tình bắt đầu ở nước Anh.

Sau khi cưới đôi trẻ chuyển sang sống ở Hà Lan, trong một thị trấn nhỏ cách Amsterdam chừng một giờ đi xe. Lena là kiến trúc sư phần mềm, đã đạt được đỉnh cao trong nghề. Cháu là một chuyên gia độc nhất, được đánh gía cao ở hãng, được tạo cho các điều kiện làm việc thuận lợi nhất. Lena có một con nhỏ – cháu sinh con gái Anna năm ngoái. Còn Tania năm nay sinh được cậu con trai Oskar. Tania tốt nghiệp MGU ở Moskva chuyên ngành “ngôn ngữ”, khi sang Anh thì chuyển nghề và, giống như Lena, làm về lập trình. Sống với chồng là người Anh ở thị trấn ngoại ô Bristol. Tania từ bé đã yêu súc vật và đem theo cùng mình đến Anh hai con chó và một con mèo. Anton tốt nghiệp MVK tại Khoa Toán học tính toán và Điều khiển học. Cháu cũng làm việc liên quan đến máy tính và ở không xa chị gái. Cậu chàng chưa cưới vợ, và tôi sợ sẽ còn lâu. Có vẻ cháu giống tính tôi.

Tất nhiên tôi sẽ vui mừng nếu có các con ở bên, chứ không phải cách xa hàng ngàn cây số. Nhưng cuộc sống là như vậy. Tôi vẫn trò chuyện với các con hàng tuần, qua Skype. Mùa hè nào chúng cũng trở về Nga và về ở Selinger, nơi chúng tôi có một căn nhà ngoại ô. Tôi và Ira sống phần lớn thời gian ở đatra. Ở đấy nghỉ ngơi và làm việc đều tốt. Tôi tiếp tục làm khoa học, điều đem lại cho tôi niềm vui lớn, tôi còn có nhiều công trình dở dang. Tôi vẫn là nhân viên toàn thời gian của MIEM.

Học viện đã được củng cố đáng kể, trở thành một phần của Trường đại học – nghiên cứu, “Trường kinh tế cao cấp”. Điều này hoàn toàn trùng hợp với các kế hoạch khoa học của tôi và cổ vũ trong tôi niềm say mê sáng tạo. Ngoài ra tôi còn là cộng tác viên khoa học của Viện các vấn đề cơ học – RAN và chủ nhiệm bộ môn thống kê lượng tử và lý thuyết trường tại Khoa Lý của trường MGU ruột thịt. Năm 2013 tôi nhận giải thưởng nhà nước lần thứ 3 do những đóng góp vào việc xây dựng cơ sở toán học cho ngành nhiệt động học hiện đại.

Khi làm việc, tôi cảm thấy ánh nhìn của Anh lên mình. Trong phòng làm việc đã nhiều năm vẫn treo bức ảnh chân dung lớn của nàng. Tôi cảm thấy Anh hài lòng về cuộc sống của các con chúng tôi. Tuy rằng cái nhìn của nàng có nghiêm nghị, nhưng theo tôi, nhân hậu. Tôi thường mơ thấy nàng, trẻ trung và hạnh phúc.

Đôi khi tôi có cảm tưởng rằng Anh không chết, nàng chỉ đang đi đâu đó. Có thời gian tôi đã nghĩ đến việc làm gì đó để vinh danh vợ: đến “với nàng” tại Việt Nam. Vào cuối những năm 90 tôi được mời dạy ở Hong Kong. Khoảng cách từ đó đến TP Hồ Chí Minh, nơi bà Bảy Vân sống, không quá xa. Nhưng sau khi suy nghĩ, tôi đã từ chối. Đối với bọn trẻ, việc di chuyển đến Hong Kong có thể tạo nên stress lớn, cần phải thích nghi với khí hậu, nước uống, đồ ăn hoàn toàn khác biệt. Tôi sợ chúng sẽ bị ốm.

Về sau, khi đã trưởng thành, Lena, Tania và Anton đã hai lần về Việt Nam để gặp những người ruột thịt. Chúng được đón tiếp như các vương tôn công tử. Ở đất nước này người ta vẫn còn lưu giữ ký ức thiêng liêng về Lê Duẩn, giống như trong thời xã hội chủ nghĩa ở nước ta nhớ về Lenin. Trong mỗi thành phố đều có các con phố hay quảng trường mang tên ông. Và các cháu của lãnh tụ được đối xử một cách vinh dự. Bảy Vân, bà vợ góa của ông vẫn còn sống. Bà nay đã gần chín mươi tuổi.

Anh giao phó các con của chúng tôi cho tôi. Nàng mong muốn các cháu sống ở Liên Xô và được giáo dục theo các truyền thống văn hóa Nga. Không có Ira tôi không thể thực hiện được sự ủy thác của nàng. Cái chính là bọn trẻ không lúc nào cảm thấy chúng là trẻ mồ côi. Và nếu không có Ira chúng không thể thấm nhuần văn hóa và tâm hồn của chúng ta. Do vậy chúng vẫn là những người Nga, cho dù sống ở đâu.

Ghi chú:

  1. ZAGS – Cơ quan phụ trách các công việc liên quan đến hôn nhân, nhân khẩu, v.v.
  2. Thuật ngữ hay dùng ở Liên Xô để chỉ thời kỳ lãnh đạo của Brejnev, nhất là những năm cuối, trước “cải tổ”.
  3. Nhạc sĩ, nhà thơ, ca sĩ người Gruzia, rất nổi tiếng như một tác giả mở đầu cho phong cách sáng tác những ca khúc tự sự có giọng điệu tác giả riêng. Với cây ghi-ta ông có điều gì đó làm liên tưởng đến Trịnh Công Sơn. Các ca khúc tôi rất thích: Tình ca Arbat, Bài ca Gruzia, Nguyện cầu …
  4. Chương trình bắt buộc đối với các NCS ở Liên Xô, phải thi xong “minimum” mới được nhận làm luận án.
  5. Ủy viên BCT, Trưởng Ban TC TW Đảng CSLX thời Brejnev.
  6. Ca sĩ nổi tiếng với các bài hát cấp tiến, thần tượng của giới trẻ xô-viết những năm 70.

Nguồn: Đông Tác giao lưu

THIÊN THẦN JACKIE EVANCHO

Tiêu chuẩn

Tìm hiểu qua Wikipedia được biết  Jacqueline Marie “Jackie” Evancho sinh ngày 9 tháng Tư năm 2000 tại Pittsburgh, bang Pennsylvanie, USA. Năm 10t cô bé đã về hạng nhì trong cuộc thi America’s Got Talent lần thứ 5. Tuổi 12 cô bé đã chen được vào hàng những nghệ sĩ có sốlượng diã bán chạy nhứt qua việc phát hành album “O Holy Night” gồm chỉ 4 bài : Silent Night, Panis Angelicus, O Holy Night và Pie Jesu.

Ngoài giọng hát thiên thần, cô bé còn có khả năng chơi vĩ cầm và dương cầm cũng như sáng tác nhạc. Tài năng của cô bé thực sự gây ấn tượng cho David Foster, một nhạc sĩ kiêm nhà phát hành nổi tiếng Canada đến nỗi ông đã mời cô bé cùng viết chung lời các bài hát chính trong album “Dream With Me” (phát hành giữa tháng Sáu 2011)

Chú thích: David Foster sinh năm 1949, từng phát hành diã nhạc cho các ca sĩ và ban nhạc lừng danh trên TG như Christina Aguilera, The Bee Gees, Andrea Bocelli, Brandy, Mariah Carey, Chicago, Celine Dion, Whitney Houston, Janet Jackson, Michael Jackson, Beyonce Knowles, Jennifer Lopez, Madonna, Rod Stewart, Barbra Streisand…

Rất tiếc là không có phần giới thiệu cô bé bằng tiếng VN nên xin Quý bà con tham khảo thêm bằng tiếng Pháp qua điạ chỉ này  https://fr.wikipedia.org/wiki/Jackie_Evancho

Bài hát tui giới thiệu dưới đây sẽ làm rung động trái tim của bất cứ ai nghe nó với nội dung cầu xin Thượng Đế rủ lòng thương xót đến những người kém may mắn hơn cô bé… Mời quý bà con nhỏ lệ với giọng hát Thiên Thần Jackie Evancho qua bài To Believe (Tin Tưởng)