CHIẾN LƯỢC MỚI CỦA DAECH GIEO RẮC KINH HOÀNG TẠI PARIS

Tiêu chuẩn

Nguồn: RFI

mediaBinh sĩ Pháp tuần tra trước Bảo tàng Louvre, sau loạt tấn công khủng bố ở Paris ngày 13/11/2015.REUTERS/Benoit Tessier

Các báo hôm nay thứ Hai, 16/11/2015 đều cho ra mắt số đặc biệt về khủng bố tại Paris đêm 13/11 – kể cả các tuần báo như L’Obs hay L’Express thường ra vào giữa tuần – tường thuật với nhiều chi tiết, sự cố đã xảy ra như Le Monde chạy tựa trang nhất « Kinh hoàng ở Paris ».

Cảnh ghê rợn tang tóc ở nhà hát Bataclan được các báo mô tả chi tiết : máu me lênh láng, người chết đầy rẫy, còn người sống sót kể lại nỗi kinh hoàng nghe rõ tiếng súng hết đạn và gắp đạn được liên tục nạp lại, kẻ khủng bố đi giữa đám đông chỉ thị cho nhau giết càng nhiều càng tốt… Báo Libération rất thương cảm với nạn nhân ở Bataclan đã dành ảnh to trang nhất cho những người mà tờ báo gọi trong hàng tựa : « Thế hệ Bataclan », những người trẻ, yêu đời, cởi mở, đã trở thành mục tiêu khủng bố.

Bên cạnh những bài tường thuật về buổi tối kinh hoàng, các báo còn nêu lên câu hỏi : làm thế nào để đối phó ? Không dễ ! Nếu Libération nhìn về phía dân chúng, thấy họ không để bị quật ngã, thì La Croix trong hàng tít trang nhất nhìn thấy là phải « sống với mối đe dọa ». Le Figaro nhìn về phía chính quyền ghi nhận thách thức to lớn và chạy tít trang nhất : «Hollande trước thách thức phải đáp trả ». Le Monde cũng nêu bật thách thức đối với giới chống khủng bố phải « đau đầu trước một đe dọa khó định hình », vì quân thánh chiến không gây chú ý cho đến khi hành động.

Trong bài phân tích ở trang trong, Le Figaro cũng như các đồng nghiệp, nhận thấy Pháp đang là một mục tiêu ưu tiên của Daech. Cuộc điều tra hiện nay cho thấy có mối liên hệ với đường dây ở Bỉ. Le Figaro đặt vụ khủng bố vừa qua trong bối cảnh « chiến lược quốc tế mới của Daech », tựa một bài phân tích của nhà báo George Malbrunot.

Chiến lược mới này là đi gieo rắc kinh hoàng ngoài vùng thánh địa của tổ chức Nhà nước Hồi giáo, củng cố liên hệ giữa ban chỉ huy trung ương và mạng luới ở nước ngoài. Tác giả bài báo nhắc lại lời kêu gọi cách đây một năm trước các vụ khủng bố ở Paris của lãnh đạo Nhà nước Hồi giáo Abou Bakr al-Baghdadi, thúc giục các thành phần thánh chiến đi ra xa bên ngoài để tấn công « kẻ thù ».

Trong nhiều tháng trời, lời kêu gọi này không mấy được chú ý. Le Figaro trích một nguồn tin an ninh ở Luân Đôn, phân tích là là nếu Daech khuyến khích tấn công vào những nước trong liên minh quốc tế thì họ xem Châu Âu và phần còn lại của thế giới chỉ là mục tiêu phụ mà thôi.

Nhưng trong mấy tuần qua thì chiến lược đã thay đổi, mục tiêu đã mở rộng, giới hoạt động nhân đạo như một người Ý ở Bangladesh, rồi máy bay dân sự Nga, và tuần qua, trước Paris, vùng ngoại ô Nam Beyrouth, Liban bị tấn công hôm thứ Năm làm cho 48 người chết. Trong các mục tiêu của Daech, Pháp – do tính chất thế tục mà lãnh đạo thánh chiến Hồi giáo rất căm ghét, và lại mở chiến dịch tấn công ở Syria – là một mục tiêu ưu tiên cùng với Nga và lực lượng Hezbollah.

Theo giới chuyên gia, Daech đổi chiến lược là do chịu sức ép của các chiến dịch oanh tạc ở Syria và Irak. Họ lo ngại mất đi những lãnh thổ chiếm được, cho nên muốn giành thế chủ động qua các chiến dịch đánh du kích thành phố, khủng bố, do những người nước ngoài tham gia thánh chiến ở Irak và Syria tiến hành một khi trở về nước.
Và cho dù nước Pháp đáp trả như thế nào, thì Daech vẵn sẵn sàng đối đầu. Daech, theo các chuyên gia, muốn làm rúng động, cho thấy họ có thể tấn công bất kỳ ở đâu và bất cứ lúc nào. Vụ khủng bố vừa qua là do « đường dây nói tiếng Pháp » của Daech tiến hành.

Theo Le Figaro vấn đề mở rộng mục tiêu tấn công của Daech ra nước ngoài dường như đã được xác định với chuyến đi của một nhân vật lãnh đạo tình báo của Daech ở Libya, Ali al-Anbari, đã đến Syria bằng đường biển, với mục tiêu là phối hợp hành động giữa nhánh ở Libya và ‘trung ương’. Theo Le Figaro, chuyến đi còn nhằm chuẩn bị khả năng ban chỉ huy trung ương rút về Libya. Tại nước này, quân thánh chiến có điều kiện dễ dàng chuẩn bị các cuộc tấn công vào Châu Âu hay nơi khác.

Washington đang lo ngại mối liên kết chặt chẽ hơn bắt đầu từ mấy tháng qua, giữa các mạng lưới ở Libya, Ai Cập…, các nhánh ở ngoài với lãnh đạo Daech ở Irak, Syria, mà theo Le Figaro, có mục tiêu huy động « vòng ngoài » tấn công « kẻ thù » ở xa.

Obama và Putin tan băng

Bên cạnh hồ sơ Pháp, Le Figaro còn nhìn sang Thổ Nhĩ Kỳ và ghi nhận : « Bước đầu tan băng giữa Putin và Obama ». Tờ báo giải thích là nhân cuộc họp Thượng đỉnh G20 ở Antalya, Hoa Kỳ và Nga đã đều hậu thuẫn cho một cuộc ngưng bắn và chuyển tiếp chính trị ở Syria. Đây là điều đã gây ngạc nhiên.

Quyết định cùng hậu thuẫn này được đưa sau một cuộc gặp bất ngờ giữa hai lãnh đạo Mỹ-Nga, kéo dài 35 phút và được truyền hình trực tiếp, có điều là không có âm thanh. Cảnh hai người gặp hôm qua khác với lần gặp gần đây nhất vào tháng 9 tại New York, bên lề Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc với không khí khi ấy rất căng thẳng. Nhưng một điều khác làm tờ Le Figaro chú ý tại Antalya là Washington bị thúc đẩy phải nỗ lực hơn nữa để chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo, tựa một bài viết khác cùng trang.

Tác giả bài báo Laure Mandeville, mô tả một Tổng thống Obama chịu sức ép khủng khiếp của cả bên ngoài lẫn bên trong lúc đến Hội nghị G20, vào hôm Chủ nhật. Chủ đề hàng đầu dĩ nhiên là loạt tấn công khủng bố ở Paris. Tổng thống Mỹ đã hứa ‘gia tăng nỗ lực’ để diệt trừ tổ chức Nhà nước Hồi giáo.

Nhưng Mỹ có thay đổi chiến lược hay không trong lúc mà đồng minh lâu đời vừa bị đánh vào tim ? Liệu Mỹ có dấn thân mạnh hơn nữa hay không ? Đây là câu hỏi được đặt ra tại Washington hôm thứ Bảy. Kịch bản mà Pháp có thể gợi lên là điều 5 của Hiến chương Liên minh Bắc Đại Tây Dương, đòi hậu thuẫn của các đồng minh để tuyên chiến với Daech ?

Bài báo nhắc lại là từ 4 năm nay, Mỹ vẫn luôn giữ khoảng cách với cuộc chiến ở Syria, rút kinh nghiệm của Irak.
Nhưng giờ đây Washington công nhận mối đe dọa đã khác đi sau các vụ máy bay dân sự Nga bị rơi, khủng bố ở Beyrouth, Ankara, Paris, buộc phải đánh giá lại chiến lược. Washington gia tăng hành động ở Libya và vùng Sinai, hai điểm tựa chính của Daech ngoài Irak và Syria. Washington cũng sẽ gia tăng hợp tác với Paris và Châu Âu đang lo ngại những vụ khủng bố mới. Phía Mỹ hiện nay ước tính có khoảng từ 120 đến 130 người của Daech hoạt động ở Pháp.

Một nỗ lực khác nữa của Mỹ là tranh thủ mối xúc động hiện dâng cao sau vụ khủng bố ở Paris tìm một giải pháp chính trị cho Syria. Washington, theo bài báo, hy vọng là Matxcơva sẽ không cứng ngắc nữa do đe dọa khủng bố cũng đè nặng lên Nga, trong lúc khả năng eo hẹp lại làm cho Nga không thể kéo dài nỗ lực quân sự ở Syria.

Miến Điện: Aung San Suu Kyi trở lại Quốc hội sau chiến thắng lịch sử

Về Miến Điện, Les Echos nêu bật sự kiện lãnh tụ đối lập Aung San Suu Kyi trở lại tham gia khóa họp của Quốc hội sắp mãn nhiệm, trong tư thế của người giành chiến thắng áp đảo trong cuộc bầu cử ngày 08/11 vừa qua. Tờ báo nhấn mạnh tình thế khác thường là dù đã trở thành « chủ nhân » tương lai của Quốc hội, đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ của bà Aung San Suu Kyi vẫn phải chịu lép vế trong Quốc hội hiện tại, vì chỉ bắt đầu nhậm chức vào đầu năm 2016 mà thôi.

Ba hình ảnh đã được Les Echos nêu bật. Trước hết là bà Aung San Suu Kyi một mình tiến vào Quốc hội, hai bông hồng đỏ trên tay, theo sau là hàng chục ống kính truyền hình. Đối với nhật báo Pháp, nhiệm vụ trước mắt của lãnh đạo đối lập là xử lý tốt tiến trình chuyển giao quyền lực đầy tế nhị mà chính quyền sắp mãn nhiệm đã cam kết.

Hình ảnh thứ hai liên quan đến các đại biểu của Quân đội, được đương nhiên nắm giữ 25% số ghế trong Quốc hội mà không cần kinh qua bầu cử. Các đại biểu này đã đến Quốc hội trước tất cả mọi người và hiện diện đông đủ, trái hẳn hàng ngũ lưa thưa của các dân biểu thuộc đảng cầm quyền USDP, bị thảm bại nặng nề trong cuộc bầu cử vừa qua.

Hình ảnh thứ ba là của ông Shwe Mann, Chủ tịch Quốc hội đương nhiệm, nhưng cũng bị thất cử như vô số thành viên khác trong đảng cầm quyền. Phát biểu trước các dân biểu có mặt hôm nay, trong đó có bà Aung San Suu Kyi, nhân vật này xác nhận : « Chúng ta hãy chuẩn bị bàn giao để cho phép Quốc hội mới làm việc ».

Đối với Les Echos, khóa họp Quốc hội mở ra hôm nay là biểu tượng của tính chất « quái lạ » của hệ thống chính trị Miến Điện. Bà Aung San Suu Kyi và bốn mươi thành viên của Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ sẽ phải cam chịu thân phận thiểu số trong Quốc hội trước 331 dân biểu của đảng USDP đương quyền.

Tình trạng này sẽ kéo dài cho đến cuối tháng Giêng năm 2016, khi khóa họp cuối cùng của Quốc hội cũ chính thức bế mạc, nhường chỗ cho Quốc hội mới, trong đó đảng của bà Aung San Suu Kyi nắm đến 80% số ghế được bầu. Thời điểm Quốc hội mới hoạt động có thể là vào tháng Hai, thậm chí là tháng Ba năm 2016, và chỉ từ khi ấy thì các cải cách mà bà Aung San Suu Kyi và đảng của bà chủ trương mới có thể được thực hiện.

Đối với lãnh tụ đối lập Miến Điện, thời gian chuyển quyền dài dằng dặc này quả là một điều kỳ lạ. Theo Les Echos, hồi đầu tháng 11 này, chính bà Aung San Suu Kyi đã nhận xét : «Không một nơi nào khác trên thế giới có một khoảng cách như vậy giữa thời điểm kết thúc cuộc bầu cử và sự thành lập chính quyền mới ».

Trong khi chờ đợi, nhật báo Pháp cho là cuộc đàm phán bên trong hậu trường về chính phủ mới đã bắt đầu. Chủ tịch Quốc hội hiện thời đã hẹn gặp bà Aung San Suu Kyi vào thứ Năm tới đây để bàn về vấn đề này, nhưng Tổng thống Thein Sein và người đứng đầu quân đội, hai tác nhân chính của tiến trình chuyển đổi, vẫn chưa ấn định ngày gặp.

Lưu lại ý kiến đóng góp hay phản hồi vào ô dưới đây :